Cầu

03/09/2020 16:13

(VHNT) - Với con người, cây cầu mang ý nghĩa kết nối. Kết nối hai bờ sông, hai bờ kênh hay hai bờ suối, kể cả kết nối đất liền với một hòn đảo nào đó. Còn biết bao “dạng cầu” khác kết nối con người với nhau trên rất nhiều lĩnh vực.

Tôi nhớ, ngày chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam, khi cây cầu Long Biên lịch sử bị hơn một lần bom Mỹ đánh gãy, công binh chúng ta đã bắc ngay được cầu phao nối hai bờ sông Hồng phục vụ dân sinh và tiền tuyến. Cầu phao cũng là một dạng cầu dã chiến nhanh gọn và hết sức cơ động.

Cũng ngay trên vị trí hai đầu cầu phao ngày chiến tranh ấy, sau hòa bình chúng ta đã tự thiết kế và thi công cầu Chương Dương, cây cầu lớn bắc qua sông Hồng do chính kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công.

“Ông Bùi Danh Lưu, thời ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông, đã thuyết phục Chính phủ làm cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ thi công ngang với làm cầu treo. Được đồng ý, ông cho tận dụng vật liệu “đầu thừa đuôi thẹo” là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để các dầm sắt này phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, ông Lưu đã phải chỉ đạo “chế sửa” lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm” (theo Wikipedia tiếng Việt).

Văn  - Cầu

Cầu Chương Dương nhìn từ trên cao

Cầu Chương Dương đã hoàn thành chỉ sau 1 năm 9 tháng thi công, và cho tới bây giờ, vẫn là cây cầu có công năng vận tải hàng đầu trong số những cây cầu bắc qua sông Hồng. Ông Bùi Danh Lưu nói về việc làm thành công cây cầu này: “Điều thiết cốt là phải hết sức công tâm vì nước, vì dân. Bởi tiền chúng ta xây cầu cũng là tiền của dân mà”.

Cầu Chương Dương khá mộc mạc nhưng lại có hiệu quả cao trong kết nối. Đó cũng là một gương mặt văn hóa trong thời chúng ta còn khó khăn, phải lấy hiệu quả thực tế và tiết kiệm làm mục tiêu cao nhất. Còn bây giờ, nhiều cây cầu được thiết kế và xây dựng vừa to rộng vừa đẹp đẽ. Như cây cầu Nhật Tân cũng bắc qua sông Hồng. Đó là khi cây cầu đồng thời là một tác phẩm mỹ thuật. Yếu tố “đẹp” cũng ngang với công năng chuyên chở.

Đó là văn hóa trong thời kỳ mới của sự phát triển xã hội.

Nhưng dù xây cầu như thế nào, là cầu Chương Dương hay cầu Nhật Tân, thì “Điều thiết cốt là phải hết sức công tâm vì nước, vì dân”.

Văn hóa cũng là một chiếc cầu nối mọi con người trong xã hội với nhau, nối quốc gia này với quốc gia khác, dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa có thể mộc mạc như cầu Chương Dương, lại có thể to đẹp như cầu Nhật Tân. Nhưng mục đích cao nhất của văn hóa không ngoài bốn chữ “Vì nước, vì dân”.

Bởi chỉ có văn hóa, Dân mới văn minh, và Nước mới thực sự giàu mạnh

Thanh Thảo

Bạn đang đọc bài viết "Cầu" tại chuyên mục THẾ GIỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).