Thị trường bất động sản giảm nhiệt, đấu giá đất Hà Nội “ế ẩm“ chưa từng có

10/07/2023 16:39

Hiện nay, số lượng người tham gia đấu giá ít, chủ yếu là những người ở địa phương và có nhu cầu ở thực. Mức giá trúng cũng sát với giá sàn, hiếm khi còn tình trạng thổi giá cao như trước.

Gần 50% phiên đấu giá không thành công

Thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương trên địa bàn từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Do đó, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất cũng đạt thấp hơn so với kế hoạch. Điều này ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu thu ngân sách, đặc biệt là tại các huyện và thị xã.

Theo thống kê, thành phố Hà Nội đã tổ chức được 65 phiên đấu quá quyền sử dụng đất. Trong đó, có 37 phiên đấu giá thành công còn 28 phiên đấu giá không thành. Kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn là 724 tỷ đồng, tương đương 5,42% kế hoạch năm - một con số vô cùng khiêm tốn.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Cũng theo kết quả khảo sát thực tế, số lượng người tham gia và trúng đấu giá ngày càng ít. Ví dụ, trong cuộc đấu giá tại huyện Phúc Thọ diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, chỉ có 5 trên tổng số 35 thửa đất được đấu giá thành công. Cụ thể, giá khởi điểm tại khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp 7 thửa là 79,8 triệu đồng/m2; giá khởi điểm tại khu X1 thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên 5 thửa dao động trong khoảng 36 - 40,6 triệu đồng/m2; giá khởi điểm khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn 3 thửa là 26,4 triệu đồng/m2; giá khởi điểm khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng 20 thửa dao động trong khoảng 18,3 - 33,1 triệu đồng/m2.

Tại huyện Đông Anh, 25 thửa đất trên địa bàn cũng đã được mang ra đấu giá ngày 12/11/2022 với giá khởi điểm trong khoảng 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2. Đến ngày 11/3/2023, các lô đất này lại tiếp tục lại được rao bán.

Ở huyện Sóc Sơn, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Cụ thể, ngày 24/12/2022, tổng cộng 27 lô đất ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược được mang ra đấu giá. Những lô đất này có diện tích từ 82,1 - 200 m2/thửa cùng mức giá khởi điểm trong khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2. Sau đó, đến ngày 11/3/2023, tiếp tục 26/27 thửa đất trên được mang ra đấu giá, còn lại 22/27 thửa đất là vào ngày 15/4.

Số lượng người tham gia đấu giá thời điểm hiện tại khá ít, chủ yếu là những người ở địa phương và có nhu cầu ở thực. Ảnh minh họa

Theo đại diện của một trung tâm phát triển quỹ đất tại Hà Nội, số lượng người tham gia đấu giá thời điểm hiện tại khá ít, chủ yếu là những người ở địa phương và có nhu cầu ở thực. Mức giá trúng cũng sát với giá sàn, hiếm khi còn tình trạng thổi giá cao như trước.

Nguyên nhân do đâu?

Việc đấu giá đất Hà Nội ế ẩm trong thời gian qua chủ yếu là do thị trường bất động sản giảm nhiệt, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Một phần nguyên nhân còn đến từ việc giải phóng mặt bằng còn chậm, hoặc vấn đề quy hoạch, đất đai vẫn còn bị vướng mắc thủ tục.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến cho các cuộc đấu giá đất vắng khách là do giá khởi điểm vẫn đang ở mức cao. Giá đất trong 2 năm trước đã bị đẩy lên cao và vô tình tạo ra một mặt bằng giá mới. Do đấu giá đất được đưa ra tương quan với những giao dịch trước đó nên mức giá hiện tại vẫn được giữ ở mức cao.

Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia đánh giá rằng, việc các phiên đấu giá đất tại Hà Nội nói chung và trên cả nước nói riêng không còn sôi động cũng phản ánh đúng thực trạng của thị trường bất động sản hiện nay. Thị trường này từ giữa năm ngoái đã rơi vào trầm lắng, sức mua giảm và số lượng giao dịch thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chưa kể, đấu giá đất ở thời điểm trước bị thổi lên cao chót vót mà nhu cầu ở thực lại không có. Thanh khoản trên thị trường yếu kém cũng khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với các cuộc đấu giá đất giống như giai đoạn trước. 

Các phiên đấu giá đất tại Hà Nội nói chung và trên cả nước nói riêng không còn sôi động cũng phản ánh đúng thực trạng của thị trường bất động sản hiện nay. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, việc thổi giá đất thông qua việc đấu giá để kéo giá bất động sản trong khu vực lên cao không còn mới mẻ. Nhiều người tham gia đấu giá đất chủ yếu là để đầu cơ và đầu tư kiếm lời, trong khi nhu cầu thực vô cùng ít ỏi. Vì thế, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhấn mạnh: “Tại giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện tại, việc ‘lướt sóng’ bán chênh rất khó nên hầu như các nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Mức giá trước kia phải cao gấp 2 đến 3 lần giá khởi điểm mới trúng đấu giá thì nay chỉ cần chênh 5% đến 10% là đủ”.

Đáng chú ý, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như phấn đấu hoàn thành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trong năm nay, tạo nguồn lực cho việc phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã uỷ quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất ở trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Thời hạn ủy quyền kể từ ngày 04/7/2023 đến hết ngày 30/6/2025.

Bạn đang đọc bài viết "Thị trường bất động sản giảm nhiệt, đấu giá đất Hà Nội “ế ẩm“ chưa từng có" tại chuyên mục TIN TỨC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).