Tập thơ đoạt Giải Văn học Naji Naaman năm 2020: Cân bằng trong hỗn loạn

31/10/2020 05:47

Trọng tâm của tập thơ đoạt Giải Văn học Naji Naaman năm 2020 của Đặng Thân, ÔM (NXB Shabda Press, 2019), là thi pháp lưỡng phân: Cái đẹp và sự tàn bạo, ánh sáng và bóng tối, hy vọng và tuyệt vọng...

Thơ của anh mở ra nhiều nước đời, trong đó sống đã là một hành động của bản thể đầy quyền lực. Với sự minh triết, những hồi tưởng và tư duy mẫn tuệ của mình, anh nhìn xoáy vào từng lớp lớp những thực tại mà anh đang sống, khi nhà thơ sử dụng từ “OM” trong tất cả các biểu hiện tôn giáo và triết học của nó để làm hiển lộ và tự chất vấn về những trớ trêu của chân lý (“Xuất thần”), tình yêu và tham vọng, những thứ đã khiến con người dấn thân vì nhau và tàn sát nhau (“Nước mắt trên sa mạc”).

Thơ  - Tập thơ đoạt Giải Văn học Naji Naaman năm 2020: Cân bằng trong hỗn loạn

Nhà thơ Đặng Thân

Trăn trở đến ngột ngạt giữa những cặp phạm trù, Đặng Thân chạm vào sự lạc lõng, đắm mình trong sự trống rỗng của “cội nguồn vũ trụ”, và triết lý với tất cả sự cảm quan tinh anh của mình rằng “vạn vật sinh ra từ hư vô, và cả hai tạo thành một cặp vĩnh hằng trong cõi ‘toàn chân’” (“Cú huých về nguồn”).

Trong vũ trụ huyền bí và trữ tình của mình, Đặng Thân đón nhận tình trạng hỗn loạn của con người mà từ đó anh tái hình dung những không gian của trạng thái cân bằng trong hỗn độn, mà anh gọi là ÔM hay là “thần chú” của các tôn giáo và có nghĩa “ôm ấp” trong tiếng Việt. Hai mươi bốn bài thơ được chia đẹp thành hai phần: “ÔM sáng trưa” và “ÔM chiều tối”.

Thơ  - Tập thơ đoạt Giải Văn học Naji Naaman năm 2020: Cân bằng trong hỗn loạn (Hình 2).

Tồn tại ẩn chứa những bất trắc trong thời gian và không gian này là trạng thái hỗn loạn đau đớn của lý trí và mâu thuẫn khiến cho chúng ta không thể thanh thản, như nhắc nhở chúng ta về một tình người thoáng qua nhưng không thể phôi phai trong “thế giới toàn thể” này (“Trái Đất chỉ là món đồ chơi trong tay Chúa”).

Là một nhà thơ song ngữ, nhà văn hư cấu, nhà tiểu luận và nhà phê bình có giọng văn rất độc đáo và phong cách nổi loạn trong những dòng văn chương anh theo đuổi, sự nổi loạn chính là một tư thế đầy quyền lực của ngòi bút.

Nó hiển nhiên không thể làm tê liệt, mà trái lại, đã đắp bồi thêm trí tưởng tượng của anh như một linh hồn lưu đầy trong thế giới nơi người ta chỉ tôn thờ “danh lợi”.

Trong nỗi tuyệt vọng về bối cảnh chung và những khối tư tưởng đã bị bê tông hóa, anh hỏi, “Người người dấn bước, nào chút mủi lòng/Cớ sao chẳng nghĩ một lần sáng trong[?]”.

Những nhà thơ dường như hư vô nhất lại là những nhà triết học uyên thâm. “Mùa xuân mới”, trớ trêu thay, lại là một mùa xuân chìm khuất trong màu sắc của lãng quên.

Đặng Thân viết: “Tôi đã từng mơ được làm họa sỹ/Tô màu cho đời rực hồng muôn ý/Mà sao cơ hàn, bi thảm triền miên/Đường hầm dằng dặc, đen tối hiện tiền”. Anh thương tiếc mùa xuân không bao giờ trở lại, để anh đắm chìm trong nỗi sầu muộn “Một giờ thanh thản từng chưa bén màng” (“Mẹ”).

Giải thưởng văn học Naji Naaman's Literary Prizes được sáng lập vào năm 2002; hằng năm sẽ được trao tặng cho những tác giả có sáng tác mang giá trị khai phóng nhất về nội dung và phong cách, nhằm tôn vinh những cống hiến của họ trong nỗ lực làm tái sinh và nuôi dưỡng những giá trị nhân bản của con người. Từ năm 2003 đến năm 2009, giải thưởng văn học Naji Naaman đã vinh danh 350 tác gia trên toàn thế giới.

Những bài thơ của anh có thể khiến người đọc mất phương hướng, làm vụn nát trí tưởng tượng của chúng ta, buộc mọi người phải suy nghĩ lại về khái niệm cân bằng trong hỗn loạn, vì “tất cả vẫn/mobile/như thể/không hề có mục đích/hay mục đích/của cuộc sống/chính là mobile” (“Một ngày nghỉ”).

Và tác giả nuôi dưỡng một “xung đột” nội tại, liên tục tự hỏi bản thân “Mi là ai vậy?” (“Những câu hỏi hôm nay”).

Những bài thơ của Đặng Thân cũng là đôi mắt chiêm ngưỡng cái thế giới ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Bài “Mắt ai?” dĩ nhiên không chỉ nói về mắt.

“Vẻ đẹp, sức hút cùng sự mong manh của tình yêu và những người đáng yêu như thiên thần” là hiện thân của những đôi mắt ấy – mọi thứ rung động đầy sức sống đang thở trên thế giới này đều có mắt; khi những đôi mắt ấy nhắm lại, cuộc đời tan nát, và chết.

Anh đưa người đọc vào những không gian đã mất, những khoảng trống lạc trôi. Anh buộc chúng ta phải chịu đựng sự thống khổ tận cùng, trước sự tham lam tàn bạo, để thưởng thức vẻ đẹp của lòng tốt. Qua những đôi mắt ấy, mọi người đều là “bạn”, anh khiến người đọc cảm động qua sự tái hình dung của mình về vẻ đẹp và sự mong manh, về khổ đau và hạnh phúc.

Ở những bài khác, như trong “Come and Go Happy”, Đặng Thân mời người đọc gạt bỏ mọi thứ “dơ bẩn” của thế giới trần tục này và cùng “… ôm thật chặt/Cho lòng se sắt/Lồng ngực phồng to/Hít thở tự do./Ôm và sẻ chia/Tình chẳng chia lìa/Ôm để tỏ bày/Lòng chí thành đây./Thế giới thì rộng/Thế gian cạn nông/Hãy đến cùng nhau/Muôn da một màu".

Những bài thơ như thế có những thấu tỏ hiển linh dễ nhận biết của anh, mặc dù hầu hết là ngẫu nhiên. Điều ÔM mang lại nhiều nhất là cảm giác bàng hoàng trước những đổi thay. Điều đó khiến ta liên tưởng đến dòng nham thạch đang cuồn cuộn chuyển mình trong lòng núi lửa trước khi nó phun trào và biến mọi thứ thành đống đổ nát.

Thơ của anh chống lại lối đọc phiến diện hời hợt. Nó giống như một bức tranh trừu tượng, như “sương mù”:

Quyết tâm chói

Nỗ lực lóa

Giữa đêm đen

Dế mèn

Người thổi kèn  tòn ten

Lấy sức men

Làm đèn

Alcohol  không tắt ngóm

Đom đóm

Mãi trường sinh

(“Đêm sương mù trên phố”)

Những bài thơ của Đặng Thân là một mê cung của những ám ảnh bí ẩn, chằng chịt. Phần lớn là từ trực giác, hoặc tự nhiên như không khí chúng ta hít thở. Với ÔM, anh đã tạo ra lối thơ độc đáo “mang tính thương hiệu” của mình, bằng sự dứt khoát lạnh lùng anh làm cho những ai theo lối viết thông thường cảm thấy lo phiền khổ sở.

ÔM cũng cho chúng ta xem những hình ảnh tuyệt đẹp và không thể xóa nhòa, tràn ngập những âm hưởng trường cửu. Đặng Thân cho chúng ta gặp những con người hoang mang đang cố gắng lý giải sự tồn tại của mình (“Bần thần”), hoặc lặng lẽ truy tìm sự thanh thản khi “xuân gọi bên thềm/hoa bay bay/khí nào thanh nhẹ lay lay/chân mày/mi lông/lơn” (“Sáng xuân nay lông chim bay ngoài cửa sổ”).

Nhưng đôi khi người ta bước qua cuộc đời này cảm thấy trái tim mình chỉ chứa đầy hư vô bởi vì “Mình đi ừ nhỉ mình đi thật/Giữa một nhân gian giả bất ngờ” (“Cô đơn em”). Anh khắc họa những nơi chốn và con người với trái tim mong manh đầy hoài nghi, mà, không hề cố tình xâm nhập vào những vũ trụ bí ẩn của họ hay mượn sự đồng cảm để tra hỏi.

Thơ của Đặng Thân đặc biệt dí dỏm, khôn ngoan về mặt luận chiến, và trung thực trong cách ngôn, đưa người đọc đến gần hơn với hiện thực, hoặc thậm chí còn xa hơn thế, buộc chúng ta nhìn sâu vào từng lớp của hiện thực.

Bài “Cosmopolitan” là ánh sáng của sự minh triết – anh viết lạnh lùng về “những công dân toàn cầu” đang vượt qua ranh giới của thế giới này thì đột nhiên nhận ra “Khi ánh sáng mạng xã hội chiếu soi còn thấy những… hơn “50 sắc thái”.

Điều này nghe có vẻ như là một sự tuyệt vọng, nhưng đây cũng là một sự cứu rỗi, vì “Từ nay em đã là em đấy/Chọc đi/Cho vũ trụ rùng mình hiển sinh”.

Đó là một sự cứu rỗi. Đó thường là những gì người đọc sẽ cảm thấy khi bắt gặp thứ thơ có thể cứu vãn hiện thực; và tất cả chúng ta đều cần sự cứu rỗi đó. Luôn luôn như thế. Vì sự hoàn hảo của con người tuyệt nhiên không đến từ những cuộc săn lùng ảo tưởng hay trốn chạy khỏi những điều giả dối.

Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh đang giảng dạy tại khoa văn học Anh - Mỹ, thuộc trường Đại học Hawaii, Manoa, Mỹ. Cô nghiên cứu về văn học phụ nữ Mỹ gốc Phi, toàn cầu hóa trong văn học Mỹ xuyên quốc gia, và chủ nghĩa tân tự do trong văn học và văn hóa Mỹ gốc Á.
 
Theo GDTĐ

Bạn đang đọc bài viết "Tập thơ đoạt Giải Văn học Naji Naaman năm 2020: Cân bằng trong hỗn loạn" tại chuyên mục THƠ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).