Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lính giữ gìn kỷ cương đất nước

14/08/2020 13:49

(VHNT) - Tiếp nhận cương vị cao nhất của Đảng vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 (1998), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến đúng lúc sự nghiệp đổi mới, sự phát triển của đất nước đang ở vào khúc quanh.

Văn  - Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - <a href=người lính giữ gìn kỷ cương đất nước" src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/13tong-bi-thu.jpg" width="450" height="279" />

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931 tại Đông Sơn, Thanh Hóa, đã tròn 50 năm tuổi Đảng. Tổng Bí thư là người đã trải qua tất cả các cương vị từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất của Đảng ta. Sự từng trải đó góp phần không nhỏ vào việc đánh giá cán bộ, xem xét những vấn đề quan hệ quốc tế liên quan đến sinh mệnh của đất nước.

Mẫu số chung của những người lính

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là mẫu số chung của những người lính, những người kiên quyết thực thi quyền lực vì nhân dân của Đảng ta.

Vào năm 1998, khi hạn hán đang làm rung chuyển khu vực tỉnh Hòa Bình thì Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đến tận nơi, khảo sát từng chiếc giếng của dân, mang nguồn nước cho dân.

Rồi đến cơn “đại hồng thủy” vào cuối năm 1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến những vùng đất miền Trung thân yêu để chia sẻ khó khăn với nhân dân. Biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt, làm cho dân tin Đảng hơn và Đảng gần dân hơn. Bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng ta được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thực thi một cách sinh động nhất, chứ không phải chỉ bằng lời kêu gọi chung chung.

Thế kỷ 20, thế kỷ chúng ta chứng kiến quá nhiều cơ cấu quyền lực sụp đổ, nhiều vị lãnh đạo cộng sản như Gorbachev, Honecker, Ceaușescu ở Liên Xô, CHDC Đức, Rumani đã đi vào lịch sử như một vết nhơ vì sự xa đời những mục tiêu của nhân dân, sống bằng lý thuyết và được vây quanh, che kín bằng cả một hệ thống quan liêu “XHCN”, đã làm cho nhân dân chán ngấy, sự quay ngoắt của những mẫu “vĩ nhân” kiểu Yeltsin, Gorbachev đều là mẫu người được trực thăng vận, được đưa lên rất nhanh trên những nấc thang quyền lực cấp cao của Đảng Cộng sản Liên Xô. Họ được đưa lên bởi sự nịnh bợ, cơ hội, chứ không phải thực tài.

Cả hai đã cho ra khỏi Bộ Chính trị và Chính phủ những ai không ăn cánh với mình, loại bỏ tất cả những người trung thực ở độ 56-70, những người từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bằng một trò chơi chính trị là gán cho họ cái mác bảo thủ, đồng thời dùng các phương tiện báo chí truyền thông văn nghệ bôi nhọ và quật đổ họ.

Văn  - Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - <a href=người lính giữ gìn kỷ cương đất nước (Hình 2)." src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/13su-doan.jpg" width="450" height="262" />

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn Không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. Ảnh TTXVN

Một Tổng Bí thư hoàn toàn thương dân, vì dân

Đồng chí Lê Khả Phiêu trong một lần nói với chúng tôi rằng: Chúng ta không thể đưa các đồng chí cao tuổi ra khỏi vị trí lãnh đạo chỉ bằng những phép tính cộng trừ trên máy vi tính, mà phải xét kỹ tài năng, đạo đức từng người. Có vậy Đảng ta mới có đủ cán bộ chín chắn, từng trải để lãnh đạo đất nước.

Có thể nói thời đại mới đã tìm ra một nhân vật mới của thời đại mình. Bây giờ sau đổi mới, chúng ta đã nhìn rõ hơn sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi các cộng sự của Người như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười. Những ưu điểm và nhược điểm của những người đi trước đều bộc lộ qua thực tế xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam trong 55 năm qua.

Lịch sử sẽ sản sinh ra các vĩ nhân và tự nó sẽ phán quyết tất cả. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng đến trong ánh sáng ấy. Sau băn khoăn lo lắng của một vài cá nhân, liệu đồng chí Tổng bí thư có nắm được quyền lực kinh tế hay không, làm thế nào để vượt qua khỏi khó khăn của toàn khu vực. Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã cùng Đảng ta trả lời những câu hỏi đó. Lòng tin và sự thật đã suy tôn Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lên một Tổng bí thư hoàn toàn thương dân, vì dân.

Đến Thái Bình với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi một chiếc xe to hơn một chục chỗ ngồi xuống với đồng bào. Đồng chí lắng nghe và đặt ra những câu hỏi sát thực với đời sống nhân dân, nghe dân nói hết tâm can của mình. Từ đó đồng chí tìm ra cách làm sao cho mỗi người dân được hưởng nền dân chủ XHCN.

Vào thời điểm mấy năm trước, nếu các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thái Bình lắng nghe ý kiến của dân, tiếp họ một cách chân tình, chứ không phải chạy ra cửa sau trốn tránh họ, chắc tình hình sẽ khác. Sợ dân – xa dân, đấy chính là nguy cơ thất bại cho những ai muốn leo cao mà không có nền móng yêu mến của nhân dân. Khi biết cán bộ đúng hoặc nhân dân đúng, đồng chí kiên quyết bảo vệ họ, như một người lính ở chiến trường bảo vệ đồng đội.

Tiếp xúc với các nhà báo nước ngoài, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trực tiếp đối thoại với họ, bằng giọng trả lời nhỏ nhẹ. Tổng Bí thư đã xóa đi nhiều ý châm chọc, hoặc những câu hỏi không có dựng của họ. Bởi vì Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hiểu phải thông tin cho họ đầy đủ về đất nước mình, về sức sống của dân tộc này. Đồng chí cũng rất sáng suốt khi nhận định rằng: người ta có thể toàn cầu hóa về tư tưởng, đặc biệt toàn cầu hóa theo tư tưởng tư bản chủ nghĩa, một tư tưởng đã lỗi thời trong lịch sử phát triển nhân loại.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng giải thích lòng nhân ái bao dung của dân tộc Việt Nam ta - một dân tộc đã từng chiến thắng những kẻ thù lớn nhất của lịch sử như giặc Nguyên Mông, Thanh, Xiêm, Pháp, Nhật, Mỹ.

Lịch sử hình như nhiều lần thử thách sức mạnh Việt Nam, sau mỗi lần thử thách, dân tộc càng vĩ đại bao nhiêu thì càng khiêm nhường bấy nhiêu. Sau chiến thắng là hòa hiếu. Việt Nam ta lần lượt hòa hiếu với Pháp, Nhật, Mỹ. Với đường lối đối ngoại rộng mở, ta đã hòa hiếu với Trung Hoa, xóa bỏ cấm vận với Mỹ. Việt Nam đã vượt lên khó khăn trở thành một tiêu điểm của nhân loại: về sự giữ gìn trật tự XHCN theo đường lối đổi mới.

Người có tầm nhìn xa trông rộng

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến sự phát triển của khoa học và khoa học xã hội. Đồng chí thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học, nhà văn hóa, trao đổi với họ những vấn đề thiết thân của đất nước như Ngày quốc lễ 10/3 và những chuẩn bị về khoa học kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Đồng chí muốn khoa học xã hội và khoa học công nghệ phải cùng song song tiến bước, có được hệ thống nghiệm thu các đề tài khoa học đặc biệt là khoa học xã hiệu quả, hữu ích. Đồng chí muốn mọi khoa học phải phục vụ con người, vì mục tiêu xây dựng con người. Đồng chí có tầm nhìn xa trông rộng và tin vào những cộng sự của mình sẽ đoàn kết đưa đất nước tiến lên theo con đường của Bác.

Ngày 19/5/1999, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đã vận động trong toàn thể nhân dân và Đảng viên tham gia xây dựng củng cố Đảng. Lần đầu tiên sau 30 năm di chúc của Bác Hồ mới được thực hiện trọn vẹn. Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực sự đi vào lòng dân, được nhân dân đánh giá cao bởi sự kiểm điểm nghiêm túc của mỗi Đảng viên, từ cơ sở đến Trung ương

Sau 14 năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng không phải không có khó khăn thách thức. Nhìn rõ khó khăn này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát động trong toàn Đảng một đợt sinh hoạt có ý nghĩa làm cho Đảng ta thực sự vững mạnh về tổ chức và tư tưởng. Về tổ chức đã có quy trình khoa học bổ nhiệm và thuyên chuyển người từ Trung ương đến địa phương. Trong niềm hứng khởi đó, nhiều bức thư, nhiều bài báo của nhân dân gửi về hưởng ứng đợt sinh đoạt của Đảng ta, càng chứng tỏ nó có tác dụng vô cùng to lớn trong nhân dân.

Những năm trôi qua, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp của Đảng ta, từ một người lính binh nhì đánh giáp lá cà với cái chết ở chiến trường, bây giờ Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại đánh giáp lá cà với cái xấu, cái ác, khuyến khích cái tốt, cái thiện phát triển.

“Diệt cái ác giương cao cờ đại nghĩa/Trái tim hồng muôn thuở đập vì dân”.

Thủy chung với đất nước, tình nghĩa với quê hương

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhớ từng thôn làng nơi mình đã đóng quân, nhớ từng kỷ niệm xa xưa, Tổng bí thư thực sự làm xúc động trái tim của nhiều người. Từ năm 1993, tôi đã có dịp tiếp xúc với đồng chí Lê Khả Phiêu, ở đồng chí toát lên một con người khiêm nhường, dân chủ, đồng chí quan tâm từ những vấn đề nhỏ nhất, đến những vấn đề lý luận, rồi nhân sự của Đảng.

Đồng chí nhiều lần nói Đảng ta cần phải có những người kiên định, được thử thách qua thực tiễn và thời gian, có đạo đức phẩm chất tốt để kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Mong muốn ấy của đồng chí cũng là mong ước của nhân dân. Với lời nói chân tình, đồng chí Lê Khả Phiêu thực sự thu hút người nghe vào cuộc thảo luận bình đẳng những vấn đề mà đồng chí quan tâm.

Văn  - Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - <a href=người lính giữ gìn kỷ cương đất nước (Hình 3)." src="/uploads/media/v-mai-hng/2020/08/13nha-van.jpg" width="450" height="338" />

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nhà văn Vĩnh Quang Lê. Ảnh Quang Lê

Lắng nghe ý kiến của dân, đã hứa với dân điều gì đồng chí tìm mọi cách thực hiện bằng được. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã luôn kiểm tra lại lời hứa của mình với các cơ sở và mọi công việc đồng chí đều kiểm tra, kiểm soát, tạo ra tác phong công nghiệp trong Đảng ta.

Lịch sử dân tộc ta đã nhiều lần chứng minh rằng, sau thời kỳ chiến tranh là đến thời kỳ hòa bình, là đến thời kỳ thái bình thịnh trị của đất nước. Đất nước chúng ta cũng đang ở trong thời kỳ như vậy, mặc dù chúng ta cần phải đấu tranh chống cái xấu, cái ác, với sự tham nhũng của một số đảng viên.

Kiên định chống cái xấu, kiên định đường lối đổi mới của Đảng ta được khởi xướng từ năm 1986, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thực sự là người lính tiên phong của đổi mới, giữ vững kỷ cương của đất nước, được nhân dân tin yêu và ủng hộ. Đấy cũng là nguồn hy vọng cho hàng triệu con người nghèo đói, những trí thức thông minh nhân hậu của đất nước này, hy vọng một ngày mai no ấm, hạnh phúc. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xứng đáng là người giữ gìn kỷ cương, người tạo dựng sự tiếp tục đổi mới quan trọng và cần thiết giữa thế kỷ 21 đầy đắm say biến động...

Đồng chí Lê Khả Phiêu sau những năm tháng đấu tranh quyết liệt với những cái xấu, cái sai trong Đảng đã nghỉ hưu ở tuổi 70, tuổi chính trị đang vào độ chín (năm 2001). Nhưng sự nghiệp mà đồng chí tham gia, những vấn đề đồng chí gợi ý vẫn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Gặp đồng chí tôi nói: Đồng chí vẫn là người được quần chúng ghi nhận và nhớ tới như một người lính tiên phong của Đảng, chống cái xấu, cái ác, sự tha hóa của một bộ phận đảng viên.

Đồng chí cười và nói: “Công việc lớn của Đảng, mỗi người phải chung tay gánh vác”. Đúng, chúng ta phải chung tay gánh vác để dân tộc này, Đảng này không tụt hậu, lỗi thời với thế giới và khu vực.

Nhà văn Vĩnh Quang Lê

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người lính giữ gìn kỷ cương đất nước" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).