Trung thu và phỗng đất

30/09/2020 13:12

(VHNT)- Gần đến rằm Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em được dịp sôi động trở lại, trên những con phố, những cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ngập tràn sắc màu rực rỡ. Trong những năm gần đây, những món đồ chơi thủ công truyền thống dần lấy lại chỗ đứng, tuy nhiên, phỗng đất dân gian vắng bóng, dường như món đồ chơi dân gian này đang dần mai một và đối diện với nguy cơ biến mất.

Bộ đồ chơi được lồng ghép khéo léo ý nghĩa tâm linh, giáo dục

Từ thời xa xưa, ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ trẻ. Những đồ chơi truyền thống đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong số đó, xinh xắn, bình dị, gần gũi, đặc sắc và không kém phần ý nghĩa là phỗng đất. Đây là món đồ chơi dân gian của trẻ em thời xưa, đồng thời là món đồ được các đền, chùa sử dụng trong cúng bái. Bộ đồ chơi này cũng đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa Việt. Trong mâm cỗ Trung thu truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngoài mâm ngũ quả, bánh nướng, bánh dẻo thì nhất định phải có một bộ phỗng đất, đèn ông sao và một ông tiến sĩ giấy.

Góc nhìn - Trung thu và phỗng đất

Bộ phỗng đất

Bộ phỗng đất dân gian gồm 5 nhân vật, ở giữa là Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh, mong muốn con cháu luôn phải sống có lương tâm, đạo đức; nhân vật thứ 2, 3 là em bé và ông già, tượng trưng cho sự tiếp nối giữa các thế hệ; thứ 4 là con chim, thể hiện cho khát vọng tự do, hòa bình; cuối cùng là con rùa, tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Làm một bộ phỗng đất khá kỳ công. Nguyên liệu làm phỗng đất là đất thó và giấy bản. Đất thó được đào ở độ sâu từ 2-3m, đem phơi khô, đập, giã thành bột mịn rồi sàng, đến khi sờ vào có độ mịn mát tay là được. Giấy bản ngâm trong nước 7 ngày, sau khi đã mủn hoàn toàn thì trộn đất và giấy với nhau, vừa trộn tay, vừa dùng chày đập cho đến khi hỗn hợp này quyện lại rồi mang ra nặn, nặn xong phơi ra ngoài ánh nắng mặt trời cho đến khi khô hoàn toàn rồi phủ lên chất điệp. Nặn phỗng không đòi hỏi phải quá cầu kỳ, tinh xảo, mà cốt yếu là phải giữ được dáng vẻ thân thuộc, dân dã.

Góc nhìn - Trung thu và phỗng đất (Hình 2).

Chú thích ảnh

Khoảng lặng cùng phỗng đất

Ngày nay, khi kinh tế, khoa học công nghệ phát triển, những món đồ chơi hiện đại đầy mới mẻ, đa dạng, hấp dẫn, hào nhoáng đang gần như thay thế những món đồ chơi truyền thống. Thế hệ trẻ ngày nay không còn nhiều người biết đến mâm cỗ Trung thu truyền thống với phỗng đất.

Góc nhìn - Trung thu và phỗng đất (Hình 3).

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp tham gia hướng dẫn trong sự kiện "Phỗng đất xưa - Hồn Kinh Bắc"

Món đồ chơi đã từng là “đặc sản” của vùng Kinh Bắc gắn liền với bao thế hệ, đến nay đã mai một. Cả làng nghề khi xưa giờ đây chỉ còn vợ chồng nghệ nhân Phùng Đình Giáp giữ nghề. Bởi lẽ một thực tế cho thấy, nghề cổ không còn nhiều đất sống. Nghệ nhân Phùng Đình Giáp, nghệ nhân cuối cùng còn gắn bó với nghề vẫn đang tâm huyết làm nghề, nỗ lực truyền bá để giới trẻ biết đến và truyền nguồn cảm hứng, tình yêu nghệ thuật dân gian cho con cháu, những ai quan tâm đến văn hóa nghệ thuật truyền thống với mong mỏi gìn giữ, lưu truyền và phát triển những giá trị văn hóa cổ truyền.

Nguyễn Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết "Trung thu và phỗng đất" tại chuyên mục TÁC PHẨM MỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).