Kiếp người Trà Leng

(Arttimes) - Tôi hỏi bà Diều, người thoát chết trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng: Có đi nơi khác không, kiếm chỗ nào ít núi? Bà lắc đầu: Ở núi quen rồi,...

Góc nhìn - Kiếp người Trà Leng

Bà Hồ Thị Diều được dân làng đặt tay lên vai chia sẻ niềm vui vì may mắn thoát chết trong vụ sạt lở Trà Leng. Ảnh: Văn Chương.

Đời núi

Tôi bắt đầu ấn tượng 2 từ “kiếp người” khi theo đoàn công tác đến Trà Leng vào chiều ngày 29/10. Ai đó thốt lên vài lần, mỗi khi xe đi qua điểm sạt lở. Những vách núi giống như một thân cây bị ai đó tước ra một mảng.

Vệt đất đỏ như thuốc súng in trên mạng xanh cây cỏ. Đó là hình ảnh mà tôi từng đứng sựng lại thật lâu, nhìn và hình dung ra viễn cảnh kinh hoàng tại Trạm kiểm lâm 67 tại Thừa Thiên - Huế (nơi đã chôn vùi 13 người trong đoàn công tác).

Nhưng càng đi sâu vào điểm sạt lở, những vệt vàng kia không còn mảnh manh hình sợi ở dãy núi xa xa, mà đó là những mảng núi sạt, núi bửa ra từng mảng lớn, đổ ầm xuống nền đường rồi trôi xuống suối.

Những cán bộ ngồi trên xe bán tải hành quân từ thị trấn Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vào Trà Leng là những chiến sĩ biên phòng điều khiển đội cảnh khuyển tham gia tìm kiếm người mất tích.

Anh em trong đoàn từng có mặt tại điểm nóng nhất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để tìm kiếm 22 quân nhân Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337. Nhưng khi đi trên cung đường vào Trà Leng, mọi người có dịp so sánh ra rút ra một điều - mối nguy hiểm trên cung đường này lớn hơn.

Tại vị trí cách Trà Leng khoảng 5 km, núi bửa ra một mảng lớn, cuốn theo cây gỗ, ập xuống mặt đường. Dừng xe lại gần đó thì vẫn nghe thoang thoảng âm thanh róc rách của nước luồn trong những thớ đất có thể đã hở toác; rồi những tiếng tí tách như sự vụn vỡ từ trong lòng đất và chực chờ cơ hội để đất, đá trượt ra khỏi mảng núi, hòa tan xuống lòng hồ.

Dù là người từng trải, nhưng tôi cũng có những nỗi lo âu. Nhưng rồi, những mái nhà thấp thoáng hiện ra trên cung đường sạt núi, đá lở đã khiến sự lo lắng vợi đi. Nhà nằm ngay mép vực đất, nhà nằm ngay sát vách núi vừa trượt một mảng đất đỏ, vài cục đá lăn vào sân.

Tôi thầm so sánh cuộc sống người dân vùng cao ở Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng giống như người dân ở làng nổi vùng Tân Hóa, xã Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - nước lụt thì nhà nổi lên, nước rút thì nhà lại chạm đất.

Tuy nhiên, sự thích nghi của người dân ở Nam Trà My thì có phần nghiệt ngã hơn. Tôi hỏi bà Hồ Thị Diều, một người dân địa phương đã thoát chết trong buổi chiều sạt lở đất vào ngày 28/10 tại thôn 1, xã Trà Leng “sợ lắm không, có đi nơi khác ở không, kiếm chỗ nào ít có núi…?”. Bà Diều lắc đầu và đáp “Ở núi quen rồi, cũng ở núi thôi!”.

Bẫy cây, đòn đá

Tối 30/10, mưa như trút từ lúc nửa đêm đến rạng 31/10, những cán bộ quản lý đội cảnh khuyển của Trường Trung cấp 24 biên phòng nhỏm dậy lo âu vì ngày mai không còn đường vào điểm tìm kiếm. Tôi viết vài dòng khuyến cáo các đồng nghiệp vào tác nghiệp tại Trà Leng trên trang cá nhân với nội dung “tuyến đường nguy hiểm”.

Khi đi vào Trà Leng, hãy tuân thủ nguyên tắc là mặt nhìn về phía núi. Vì sao? Bởi sau những ngày mưa lớn kéo dài, từng mảng đất núi sạt xuống, con suối róc rách hiền hòa bỗng biến thành một dòng sông nhỏ đầy nham nhở, phần mở rộng ăn mòn cả đá.

Cách điểm tìm kiếm khoảng 1 km là một dòng suối nhỏ có tên là suối Vả. Buổi sáng tinh sương, tôi chạy vội ra phía suối để xem đường vào điểm tìm kiếm có bị nước chắn ngang. Nước từ núi tuôn xuống và sôi lên ùng ục.

Anh Nguyễn Văn Bảy, một người dân từng nhiều lần chạm mặt với sạt núi, lũ quét chỉ cho tôi kinh nghiệm “nước suối trên núi, chừ hắn phải trong veo trong vắt có đúng chưa? Nhưng mà hắn đục đục màu đất, có lẫn cây cỏ thì hãy coi chừng, núi sập tới nơi”.

Những ngày lực lượng tìm kiếm huy động phương tiện ra vào tập nập Trà Leng, dòng suối Vả đục ngàu nước bùn đất. Buổi sáng sớm, những thanh niên trong làng vẫn băng qua suối Vả để ra huyện Bắc Trà My. Mỗi khi đến suối Vả thì họ dừng lại, nhìn ngó dòng nước thật lâu rồi vội vã cho xe máy băng qua.

Họ có thể tránh được lũ quét nhờ quan sát kỹ, nhưng họ khó có thể tránh được đòn độc ngay trên đầu. Sau lưng họ, đó là những cây chò 3 người ôm không xuể. Sau những ngày sạt lở đất, núi toác ra, những cây chò già, chiều cao chừng 30 mét nằm sát bờ đất và chỉ cần những cơn gió nhẹ thì sẽ ập xuống mặt đường và phận người xem như một ván bài may rủi.

Anh Bảy cho biết, hàng ngày đi qua cung đường này, nguy hiểm thì gặp hoài, lúc đá lăn, lúc cây đổ, nhưng có khi đi qua rồi thì cây đổ sau lưng, đá lăn trước mặt. Kết thúc câu chuyện, anh nở nụ cười.

Tôi hiểu, những người dân như anh, ngàn đời này sống ở núi, sinh ra từ núi, chết chôn trong núi, dù những hiểm nguy chực chờ trước mặt, sau lưng, nhưng kiếp họ sinh ra ở núi thì số phận cũng gởi vào sự rủi may. Họ không thể rời núi để xuống đồng bằng. Bài toán để bảo vệ cộng đồng, con cháu họ tốt nhất là gì?

Hỏi câu này thì nhiều người ngửa mặt chỉ về phía những tán rừng già vẫn còn sót lại, rừng chò có lẽ cả trăm năm tuổi. Nơi nào nhiều rừng thì nơi đó họ có được cuộc sống yên bình.        

Về đất

Điểm tìm kiếm ở Trà Leng là một khu đất rộng chừng 400 m2. Bề mặt trên của đám sạt lở là đất sét và bên dưới là đất cát pha đá.

Bãi bùn lầy này xem ra vẫn dễ chịu hơn hiện trường ở thủy điện Sông Trăng 3, Trạm kiểm lâm 67 ở Thừa Thiên Huế, vì nền đất ít sụt lún, còn hiện trường ở Thừa Thiên- Huế là bãi bùn lầy ngập ngụa tới đầu gối, thậm chí sâu hơn nữa.

Các đơn vị bộ đội tập trung tìm kiếm 14 nạn nhân mất tích tại nền nhà của Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng là ông Lê Quang Việt. Còn sau lưng khu vực tìm kiếm là 2 ngôi mộ vừa được đắp đất mới.

Việc chôn cất các nạn nhân xấu số diễn ra dưới trời mưa nặng hạt. Nhiều người dùng cuốc nện chặt nấm mộ giữa tiếng khóc xé lòng của bao người thân.

Những ngày tìm kiếm được tổ chức khá gấp gáp, huy động đến 5 xe múc, 1 xe ủi. Việc tìm kiếm kết thúc khá muộn, thường là khi ánh đèn đêm đã bật sáng. Màn đêm buông xuống ở Trà Leng, tiếng nước róc rách từ khe suối Núp Branh và có thêm tiếng bước chân khua khoắng của đoàn tìm kiếm trở về lều muộn.

Đàn gà của nhà Bí thư Lê Quang Việt kêu chiêm chiếp và trở về cái chuồng méo xệch đang nằm dưới đống đổ nát, dù chúng đã không còn chủ.

Trưa 28/10, một tiếng nổ lớn phát ra tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã  Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đây là nơi sinh sống của 15 hộ, 55 khẩu. Lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm và cứu sống 33 người. Có 8 người chết và 14 người mất tích. Hiện nay lực lượng tìm kiếm đã san ủi toàn bộ đống đổ nát, nhưng vẫn chưa tìm được số người này.

Theo Nông nghiệp

Link nội dung: https://cms.webnew.tech/kiep-nguoi-tra-leng-a3970.html