Tái hiện nỗi đau nàng Kiều trên sân khấu dân ca kịch bài chòi

Mới đây, Đoàn Dân ca thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã dựng trích đoạn Kiều bán mình chuộc cha. Đây là trích đoạn lần đầu được đoàn dàn dựng, tái hiện nỗi đau của thân phận nàng Kiều trên sân khấu dân ca kịch bài chòi.

Sân khấu - Điện ảnh - Tái hiện nỗi đau nàng Kiều trên sân khấu dân ca kịch bài chòi

Diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương (bên phải) với vai diễn Thúy Kiều trong trích đoạn Kiều bán mình chuộc cha

Nhằm thể hiện tình cảm đối với Đại thi hào Nguyễn Du nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020) và tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) của ông, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Dân ca đã đầu tư dàn dựng trích đoạn Kiều bán mình chuộc cha. Đây cũng là trích đoạn được diễn viên Nguyễn Thị Thanh Phương sử dụng làm bài thi tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc vừa diễn tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Theo nghệ sĩ Trần Kim Chín - tác giả phóng tác kịch bản cho trích đoạn, nội dung Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã được một số đoàn nghệ thuật thể hiện dưới nhiều loại hình sân khấu khác nhau, nhưng đây là lần đầu được Đoàn Dân ca đưa lên sân khấu dân ca kịch bài chòi. Vì là trích đoạn mới nên sẽ không tránh khỏi những khó khăn trong quá trình dàn dựng để toát lên được hết các cung bậc tâm trạng đầy phức tạp của nhân vật.

Tuy chỉ chưa đầy 30 phút nhưng trích đoạn Kiều bán mình chuộc cha đã thể hiện những cảnh diễn vào loại khó nhất. Ở đó, diễn viên vừa phải bộc lộ rõ nét cảm xúc đau đớn, giằng xé của nhân vật khi đối diện với những bi kịch của gia đình, của đời mình, vừa phải toát lên những diễn biến nội tâm, tâm lý đầy phức tạp, với chuyển biến nhanh. Ngoài ra, với đặc điểm của sân khấu dân ca kịch bài chòi đòi hỏi phần hát của diễn viên cũng phải được phân phối hợp lý nhằm gia tăng hiệu quả cho vở diễn.

Theo NSƯT Đỗ Ngọc Tâm - người hướng dẫn biểu diễn trích đoạn, do lần đầu dựng trích đoạn này nên mọi việc đều mới mẻ đối với ê-kíp. Từ cảnh trí sân khấu, đạo cụ, đến phần âm nhạc, ca khúc, nói lối… trong trích đoạn đều phải có sự tính toán cho phù hợp với điều kiện biểu diễn, khả năng của diễn viên. Sau khi dự thi, trích đoạn này sẽ mang đi biểu diễn phục vụ người dân, du khách ở khu vực sân khấu đường phố ở số 46 Trần Phú (TP. Nha Trang) và các địa phương trong tỉnh. Chính vì thế, mọi thứ đều phải tinh gọn, đơn giản nhưng vẫn đáp ứng được chất lượng nghệ thuật.

Với diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương, trong lần đầu đóng vai Thúy Kiều đã gặp những khó khăn nhất định. Thiếu kinh nghiệm sống đến kinh nghiệm diễn xuất nên khi đảm nhận một vai diễn đòi hỏi nhiều yêu cầu khó cả phần hát, phần diễn lẫn phần tâm lý thực sự là thử thách với nữ diễn viên này. Vậy nên, để diễn sao cho thể hiện được hết cái sầu, cái bi và hoàn cảnh trái ngang của Kiều là điều hoàn toàn không đơn giản.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức, trích đoạn này mới quá nên việc diễn viên có thể ngay lập tức nhập vai và diễn cho ra tâm trạng nhân vật là rất khó. Vậy nên, trong quá trình biểu diễn, diễn viên cần phải tiếp tục trau dồi thêm kỹ năng để vai diễn hoàn chỉnh hơn. Nhạc sĩ Hình Phước Liên góp ý, trong phần hát của mình, diễn viên cần điều tiết hợp lý giữa những chỗ hát ca khúc với những chỗ hát các làn điệu dân ca bài chòi. Bởi đây là vở kịch hát bài chòi nên khán giả vẫn quan tâm nghe nhiều đến phần thể hiện các làn điệu đó ra sao, tránh tình trạng bị đuối hơi ở những phần ca bài chòi.

Có thể thấy, với những nỗ lực của mình, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Dân ca đã cố gắng cho ra đời một trích đoạn có ý nghĩa cả về mặt xã hội lẫn nghệ thuật, để  khán giả có dịp được xem những cung bậc ai oán của thân phận nàng Kiều trên sân khấu dân ca kịch bài chòi.

Theo Báo Khánh Hòa Online

Link nội dung: https://cms.webnew.tech/tai-hien-noi-dau-nang-kieu-tren-san-khau-dan-ca-kich-bai-choi-a3959.html