Người đàn bà của núi

Hơn hai thập niên cầm bút, ra mắt hàng chục đầu sách ở nhiều thể loại khác nhau nhưng nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy vẫn tự tin nhất khi viết về vùng sơn cước. Chị đã thành công với đề tài miền núi ngay từ khi còn là sinh viên với những truyện ngắn đặc sắc.

Sau này, nhiều tác phẩm về đề tài miền núi như Ngải đắng trên núi, Con dê bốn mắt, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá... đã làm nên tên tuổi của chị, đặc biệt có những tác phẩm được chuyển thể thành những bộ phim được yêu thích như Chuyện của Pao, Lặng yên dưới vực sâu.

Văn  - Người đàn bà của núi

Nhiều nhà văn, đặc biệt là những cây bút đến từ miền núi, cũng chọn vùng cao là đề tài trong hàng loạt sáng tác của mình. Nhưng không phải ai viết về rừng núi, bản làng cũng tự nhiên như tác giả của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Đỗ Bích Thúy từng tâm sự: Khi viết về miền núi, chị thấy mình rất tự tin, đề tài ấy cũng hợp với “tạng” văn chương của chị.

Nhiều năm sống ở Hà Nội, Đỗ Bích Thúy cũng có những trang viết dành riêng cho chốn phố phường tấp nập, đó là cuốn tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là. Lấy bối cảnh là một cửa hiệu giặt nhỏ, mỗi nhân vật có một hoàn cảnh khác nhau, đại diện cho những mảnh ghép đa dạng của đời sống ở Thủ đô tấp nập. Nhiều bạn văn nhận xét: Đỗ Bích Thúy viết về Hà Nội rất duyên, chân thật, và đầy chất đời. Chị đã thể hiện được cái xô bồ của cuộc sống nơi phố thị. Ở đó, con người vật lộn với công cuộc mưu sinh, cố gắng diễn thật tròn vai mà cuộc đời phân phó. Sự nhạy cảm với những chi tiết nhỏ đã giúp nữ nhà văn thành công ở mảng đề tài này.

Đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy, người ta thấy được sự cẩn thận trong việc lựa chọn ngôn ngữ để viết lời thoại cho nhân vật. Ngay cả những chi tiết nhỏ, như việc miêu tả một chiếc lá rừng hay chiếc váy của một cô gái Mông, chị cũng rất cẩn thận và tỉ mỉ. Độc giả có cảm tưởng như thể nhà văn đã ngồi hàng giờ liền để ngắm chiếc lá ấy hay mải mê nhìn theo những chiếc váy sặc sỡ ngày chợ phiên.

Khi viết về vùng cao, Đỗ Bích Thúy không chọn những câu chữ lóng lánh và lịch lãm. Ngôn từ trong văn của chị được cân nhắc kỹ càng, từng câu chữ toát lên nét thật thà, đôn hậu của người miền núi.

Số phận khắc nghiệt của những người phụ nữ vùng cao cũng là một trong những chủ đề gây ám ảnh trong văn của Đỗ Bích Thúy. Mỗi người có một câu chuyện riêng. Từng ngày, họ lặng lẽ sống và tìm cách xoa dịu những tổn thương trong tâm hồn. Sống trên những triền núi cao khắc nghiệt, người phụ nữ dân tộc thiểu số trong văn của Đỗ Bích Thúy cả đời gắn với nghèo khổ. Nhưng cái đói và sự lam lũ không phải là bi kịch lớn nhất trong cuộc đời họ. Mà do bị trói buộc bởi định kiến và những tập tục từ bao đời, những người phụ nữ tội nghiệp ấy đã phải lặng lẽ nhìn hạnh phúc cứ thế tuột khỏi tầm tay.

Trong văn của Đỗ Bích Thúy thỉnh thoảng xuất hiện những cặp nhân vật nữ với tính cách đối lập, như mẹ già và May của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Súa và Xí trong Lặng yên dưới vực sâu, hay bà Cả và Vàng Chở trong Chúa đất. Một người hiền lành, nhu mì, chỉ biết cam chịu; người kia thì mạnh mẽ, quyết liệt, luôn cố gắng phản kháng tới cùng. Họ chính là đại diện cho hình ảnh của người phụ nữ truyền thống và người phụ nữ hiện đại của xã hội ngày nay. Dù ở miền núi hay thị thành, để có được hạnh phúc, người phụ nữ cũng phải biết đấu tranh.

Có thể nói, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã tinh tế xây dựng những nhân vật phụ có tính cách mạnh mẽ. Có lẽ, nhà văn muốn cổ vũ những người phụ nữ trẻ miền sơn cước, để có được hạnh phúc, họ phải mạnh mẽ đấu tranh giành lấy nó. Có thể, những cô gái ấy phải chịu nhiều đau đớn, nhưng nhờ thế mà cuộc đời của họ ý nghĩa hơn. Trong cuộc chiến với số mệnh, dẫu thua cuộc vẫn tốt hơn là buông xuôi.

Theo HNM

Link nội dung: https://cms.webnew.tech/nguoi-dan-ba-cua-nui-a3537.html