Tình quân dân, nghĩa đồng bào

(VHNT)- Bà Trần Thị Tích (62 tuổi, thôn Phong Xuân, xã Phong Xuân) cho biết, bà tham gia nấu ăn từ 2 ngày qua. Từ 8 giờ sáng mỗi ngày, bà cùng với những chị em trong thôn đi chợ rồi về nấu ăn để kịp đưa vào rừng trước 10 giờ sáng.

“8 giờ sáng phục vụ đến 10 giờ thì xong. Cỡ 1-2 giờ chiều, tôi lại đến phục vụ đến 6 giờ tối thì về”, bà Tích nói, thấy anh em công binh làm bếp lóng ngóng nên những người phụ nữ trong thôn không ai bảo ai cứ thế kéo đến đến giúp đỡ. Người thì nấu cơm, người thì nấu thức ăn.
 
Khoảng 10 giờ ngày 15/10, bữa trưa cho đội cứu nạn trong vụ sạt lở ở rào trăng (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã được những người phụ nữ tại địa phương chuẩn bị tươm tất để đưa vào hiện trường tiếp sức cho những cán bộ, chiến sĩ đang nỗ lực đào xới lớp đất đá tìm kiếm người bị nạn. Bếp ăn dã chiến được đặt tại Trường Tiểu học Phong Xuân. 
 
Góc nhìn - Tình quân dân, nghĩa đồng bào

Tình quân dân, nghĩa đồng bào. Ảnh minh họa

Công an, bộ đội căng mình giúp dân

Suốt những ngày qua, lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng... các tỉnh miền Trung nỗ lực bám địa bàn, bám dân với phương châm đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất về thiệt hại về người và tài sản.

Hình ảnh những người chiến sĩ công an, quân đội ngày đêm dầm mình trong dòng nước lũ, ứng trực ở những vị trí xung yếu để ứng cứu, sơ tán, di dời nhân dân và tài sản đến nơi an toàn. Hàng nghìn lượt CBCS cùng các phương tiện thiết bị về các vùng thấp trũng, ngập sâu, vùng sạt lở để giúp dân, túc trực 24/24 giờ sẵn sàng nhiệm vụ trong mọi tình huống khiến nhiều người không hkoir xúc động.

Ngoài tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ giúp dân, lực lượng vũ trang còn túc trực 24/24 giờ tại các vị trí nước ngập sâu để điều tiết, hướng dẫn giao thông, ngăn chặn người và phương tiện qua lại những khu vực nguy hiểm; ca nô của công an liên tục chạy trên các tuyến sông để ứng cứu nhân dân, hướng dẫn tàu thuyền, ghe qua lại, vào nơi tránh trú an toàn.

Cả nước đang chung tay hướng về miền Trung ruột thịt
 
Hàng chục tỷ đồng đã được các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp để hỗ trợ bà con các tỉnh miền Trung đối phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã quyết định ủng hộ 7 tỷ đồng và kêu gọi toàn thể người dân Hà Nội tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung do ảnh hưởng của mưa lũ. Hưởng ứng lời kêu gọi này, Tập đoàn Ecopark đã ngay lập tức ủng hộ 5 tỷ đồng thông qua quỹ "Vì người nghèo" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước đó, tập đoàn FLC cũng đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống bão lũ tại Quảng Bình.

Không chỉ có các doanh nghiệp mà nhiều nghệ sĩ, cá nhân cũng đã chủ động tổ chức quyên góp hướng về đồng bào miền Trung. Ngay sau 24 tiếng đồng hồ kêu gọi trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được gần 10 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các fan hâm mộ và cộng động. Ngay trong ngày, ca sĩ Thủy Tiên đã tạm gác mọi công việc, bay đến Huế và trực tiếp cứu trợ bà con tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ này là Quảng Thành, Quảng Điền, Phong Điền. 

Một số nghệ sĩ nổi tiếng khác cũng đã liên tiếp có các bài kêu gọi cộng đồng ủng hộ đồng bào. Vợ chồng ca sĩ Lý Hải – Minh Hà cũng đã kêu gọi ủng hộ được gần 2,5 tỷ đồng. Ca sĩ Mỹ Lệ cùng gia đình đã ủng hộ 500 triệu đồng. MC Đại Nghĩa, ca sĩ Trung Quân cũng đã có sự hỗ trợ thiết thực khi trao hàng chục nghìn thùng mỳ tôm, nước sạch đến các điểm ngập lụt.

Nhiều cầu thủ nổi tiếng của làng bóng Việt cũng đã tham gia vào hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung. Tiền đạo Nguyễn Anh Đức (câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai) đã kêu gọi toàn bộ các cơ quan của anh, bạn bè, gia đình quyên góp được gần 100 triệu. 

Ngoài các doanh nghiệp, nghệ sĩ, nhiều đoàn thiện nguyện của các tổ chức Phật giáo cũng đã huy động sự ủng hộ của phật tử trong và ngoài nước, túc trực và cứu trợ đồng bào trực tiếp tại các điểm rốn lũ trong những ngày qua. Nhiều bà con tại chính các vùng lũ cũng đã hỗ trợ nơi ăn, chốn nghỉ cho đồng bào địa phương. 

Có mặt để cứu trợ, tiếp ứng tại các điểm lũ nhiều ngày qua, Đại đức Thích Thanh Kiến, Học viện Phật giáo Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi đã có mặt với bà con ngay từ đầu đợt lũ. Chúng tôi không chỉ phát mỳ tôm mà còn nấu cơm nóng, mua bánh mỳ, nước lọc để phát trực tiếp cho bà con vì mất điện nên nhiều ngày qua bà con chỉ ăn mỳ tôm sống. Điều xúc động hơn nữa là nhiều bà con không nhận vì đã đủ để dành phần người khác".

Những sự ủng hộ từ vật chất đến tinh thần đều thể hiện tinh thần tương thần tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam ta từ bao đời nay. Hơn lúc nào hết, người miền Trung đang cần lắm những sự hỗ trợ thiết thực từ đồng bào cả nước để có thể mạnh mẽ vượt qua và khắc phục hậu quả của thiên tai.

Lê Vũ Anh

 

Link nội dung: https://cms.webnew.tech/tinh-quan-dan-nghia-dong-bao-a3478.html