Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi…

(VHNT) - Có hai lần tới trường đều làm tôi hồi hộp như nhau, ấy là lần đầu được cắp sách vào lớp một và lần đặt bước chân đầu tiên trước ngưỡng cửa trường Đại học Tổng hợp. Lần thứ nhất, dứt khoát phải có bố hoặc mẹ dắt đi. Còn lần thứ hai, lại sợ nhất và xấu hổ nhất nếu chẳng may có phụ huynh đi cùng.

Có hai lần tới trường đều làm tôi hồi hộp như nhau, ấy là lần đầu được cắp sách vào lớp một và lần đặt bước chân đầu tiên trước ngưỡng cửa trường Đại học Tổng hợp. Lần thứ nhất, dứt khoát phải có bố hoặc mẹ dắt đi. Còn lần thứ hai, lại sợ nhất và xấu hổ nhất nếu chẳng may có phụ huynh đi cùng.

Lúc vào lớp một, ngay lập tức ấn tượng đập vào mắt tôi là cái sân chơi. So với lòng đường phố Hàng Bạc của tôi, thì cái sân trường quả là rộng quá và mênh mông quá! Trong trí óc non nớt trẻ con là cả một ngàn trò tinh nghịch hiện ra. Nàođá bóng, đácầu cho đến thả đỉa baba, mèo vờn chuột. Những cây bàng xanh mướt như những người lính đứng canh gác cho suốt tuổi thơ. Có những trái bàng, mãi mười hai năm sau vẫn còn rơi xuống bài thơ "Chiếc lá đầu tiên":

Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao
nhiêu Bài hát đầu, xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.

Lúc vào trường đại học tất nhiên là phải khác, điều làm tôi sung sướng đến lo sợ, rồi lo sợ đến phát ốm lại là cái thư viện của trường. Trời ơi! Sách ở đâu mà nhiều thế? Biết bao nhiêu cuốn tôi chưa đọc! Mà đọc đến bao giờ cho hết được! Còn nhớ hồi ấy, mỗi lần chúng tôi lên thư viện thường tranh nhau khuân hàng núi sách về phòng. Tất cả đóng chặt cửa lại để ngồi đọc, nằm đọc và đứng đọc. Vừa đọc lại vừa nhìn trộm xem đứa ở giường bên đang đọc cuốn gì, chỉ sợ nó đọc nhanh và nhiều hơn mình thì chết.

Rồi những buổi lên lớp thật thú vị, các thầy cô chỉ gợi mở, vấn đề còn lại là chúng tôi phải tự tìm hiểu. Cũng chính vì vậy, ngày một ngày hai, ở trong mỗi đứa chúng tôi đã hình thành một tư duy nghiên cứu độc lập. Ai thích văn học dân gian, ai thích văn học Trung Quốc, ai thích văn học phương Tây, văn học Mỹ La tinh hay văn học hiện đại tùy ý.

Điều mà nhà trường yêu cầu là mỗi sinh viên phải phát huy hết những năng lực của mình. Bộ môn sáng tác thì nhà trường không dạy, nhưng lớp nào khóa nào cũng có không dưới 30 nhà thơ và nhà văn công khai ầm ĩ hoặc lén lút e thẹn sáng tác cả đêm lẫn ngày.

Tôi thuộc trường phái các nhà thơ sân thượng, nghĩa là sáng tác xong bài thơ nào thì chọn đúng lúc nửa đêm leo lên sân thượng đọc hết cỡ và hết sức diễn cảm cho cả trường nghe. Ai không muốn nghe thì chỉ có cách trùm kín chăn lại, nhưng đa số những "tác phẩm thăng hoa đột xuất" ấy thường ít khi bị rơi vào im lặng, bằng chứng là sáng hôm sau nhóm nhà thơ sân thượng thường được ban bảo vệ nhà trường gọi lên nhắc nhở.

Khoác áo sinh viên vừa đúng một năm thì tôi cùng rất nhiều sinh viên khoa văn tình nguyện nhập ngũ. Đó là những ngày giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Từ cuộc sống của một chiến sĩ cao xạ pháo, bài thơ NHẬT KÝ của tôi đã được hoàn thành ngay từ những ngày đầu ra trận. Cái hồi hộp trong bài thơ này, nó không còn giống cái hồi hộp của lần vào lớp một hay lần đặt chân trước cổng trường đại học nữa. Đây là cái hồi hộp của mái trường khói lửa và sinh tử:

Sáng: Bình minh ấy là bình minh kỷ niệm.
Chiều: Hoàng hôn như lạ lại như quen.
Tối: Tắc kè ném lưỡi vào đêm
Có ngủ được đâu
Nằm nghe lá thở
Nằm nghe súng nổ
Đánh giặc lần đầu ai chả thế
Thôi sáng rồi, vấn tiếng gà xóm mẹ
Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi

Chính tôi cũng không ngờ, bài thơ Nhật ký lại được trao giải nhất trong cuộc thi thơ 1972 - 1973 của Tuần báo Văn Nghệ. Như bài thơ đã thổ lộ, theo hướng súng mà đi - tôi đã cùng bao đồng đội của tôi đi cho tới ngày toàn thắng 30 tháng tư năm 1975. Những phút đầu tiên bước ra khỏi chiến hào là tôi nhớ về trường Đại học Tổng hợp.

Dù muốn dù không, tôi cũng phải hoàn thành nốt chương trình đại học đã bị bỏ dở. Và cho mãi đến tận lúc ấy, tôi mới biết là tuổi bằng lăng tím sân trường của mình đã vĩnh viễn trôi qua!!! Và cho mãi đến tận lúc ấy, tôi mới viết ra được những câu thơ cuối cùng của bài thơ "Chiếc lá đầu tiên":

Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hẹn hò chia tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường - chiếc lá buổi đầu tiên

Hoàng Nhuận Cầm

Link nội dung: https://cms.webnew.tech/ban-co-nho-truong-nho-lop-nho-ten-toi-a1691.html