Lý Huỳnh - nghệ sĩ chất phác, nghĩa hiệp đúng chất Nam Bộ

23/10/2020 17:18

'Đó là một nghệ sĩ, một con người chất phác, nghĩa hiệp đúng chất Nam Bộ', nghệ sĩ Trần Quang chốt lại cuộc trò chuyện về nghệ sĩ nhân dân Lý Huỳnh với một chút ngậm ngùi.

Nhận cuộc gọi từ Việt Nam báo tin NSND Lý Huỳnh vừa qua đời, nghệ sĩ Trần Quang rất bất ngờ và thảng thốt. Dù đã quá nửa đêm (giờ Mỹ), ông vẫn dành thời gian để trò chuyện với người viết về người bạn đồng nghiệp cùng tuổi và có nhiều kỷ niệm đóng phim trước và sau 1975.

Sân khấu - Điện ảnh - Lý Huỳnh - nghệ sĩ chất phác, nghĩa hiệp đúng chất Nam Bộ

NSND Lý Huỳnh trong vai lão nông Hai Lúa (phim Vùng gió xoáy)

Từ võ sư nổi tiếng

Trần Quang cho biết dù Lý Huỳnh và ông cùng sinh năm 1942 nhưng hai người có thời gian hoạt động nghệ thuật khác nhau. Trần Quang tốt nghiệp thủ khoa Trường Quốc gia âm nhạc năm 1963 và bốn năm sau mới bước vào điện ảnh, để rồi trở thành nam diễn viên ngôi sao số 1 của điện ảnh Sài Gòn trước 1975.

Ở cùng thời điểm đó, Lý Huỳnh nổi tiếng là một võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền rất có danh tiếng ở Sài Gòn, từng thượng đài 6 trận quyền anh và thắng 3 trận, từng công khai thách đấu với huyền thoại kungfu Lý Tiểu Long. Năm 1965, Lý Huỳnh mở trường dạy võ tại Sài Gòn và đào tạo ra nhiều võ sĩ tên tuổi.

Năm 1972, Trần Quang và Lý Huỳnh lần đầu tiên gặp nhau trong bộ phim võ thuật Long hổ sát đấu của đạo diễn Hong Kong Hàng Anh Kiệt.

Bộ phim võ thuật này mở đường cho Lý Huỳnh gia nhập vào làng điện ảnh với nhiều bộ phim cùng thể loại hợp tác với điện ảnh Hong Kong sau đó như Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709.

Trong đó, với Hải vụ 709 - một trong những bộ phim cuối cùng của điện ảnh miền Nam trước 1975, Lý Huỳnh tái ngộ Trần Quang một lần nữa.

Sau 1975, con đường điện ảnh của Trần Quang và Lý Huỳnh rẽ hai hướng khác nhau. Cả hai đều ở lại Việt Nam để phát triển sự nghiệp, nhưng nếu Trần Quang khá chật vật để chọn được một vai diễn phù hợp tiếp tục phát triển sự nghiệp vốn đã rất thành danh thì Lý Huỳnh dễ dàng nhập cuộc hơn.

Với gương mặt nam tính, thần thái quắc thước, bộ râu quai nón đậm chất đàn ông cộng với nền tảng võ sư chuyên nghiệp trước đó, ông được một số đạo diễn của điện ảnh cách mạng mời tham gia nhiều bộ phim khác nhau.

Đến những vai diễn ấn tượng

Một trong những bộ phim thành công nhất của Lý Huỳnh sau 1975 là Mùa gió chướng (1978) của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản dựa theo tiểu thuyết cùng tên của ông.

Đây là bộ phim đầu tay của đạo diễn Hồng Sến và cũng là bộ phim hợp tác đầu tiên giữa Hồng Sến và Lý Huỳnh.

Trong bộ phim đen trắng một thời từng gây sốt vì mô tả cuộc đối đầu dữ dội của nhân dân bưng biền miền Nam chống lại sự đàn áp của quân đội Việt Nam cộng hòa, Lý Huỳnh đóng vai đại úy Long - một kẻ "khát máu" luôn tìm cách "diệt Cộng" và thực hiện các cuộc đàn áp, bố ráp để không cho cách mạng có điều kiện bám rễ trong dân.

Trái với hai vai phản diện tàn ác trong Mùa gió chướng và Hòn đất, với bộ phim Vùng gió xoáy, đạo diễn Hồng Sến giao cho Lý Huỳnh vai chính hoàn toàn khác biệt - lão nông tri điền Hai Lúa, một người dành cả cuộc đời cho ruộng đồng với câu thoại ấn tượng: "Tao sống chết với đất, tao ghét ai phụ bạc nó".

Hình tượng lão nông Hai Lúa - một "nghệ nhân trên đồng ruộng" với bộ quần áo bà ba màu nâu đất, quấn khăn rằn ngang đầu, tính cách hào sảng, kiên quyết không vào hợp tác xã vì lối làm ăn quan liêu, chủ quan nóng vội - Lý Huỳnh gây ấn tượng mạnh mẽ vì sự "lột xác" hoàn toàn.

Thành công của nhân vật Hai Lúa trong Vùng gió xoáy giúp Lý Huỳnh có thêm một vai diễn ấn tượng khác là ông Hai Cũ - một nhân vật nghĩa hiệp đậm chất Nam Bộ trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 1982.

Đây cũng là bộ phim mà ông lăngxê cậu con trai Lý Hùng tập tễnh bước chân vào điện ảnh, để rồi trở thành một gương mặt ăn khách của dòng phim "mì ăn liền" gần một thập niên sau đó. Hai vai diễn lão nông phóng khoáng đậm chất Nam Bộ giúp Lý Huỳnh nhận được giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam năm 1983.

Nhiều nghệ sĩ, khán giả đánh giá cao màn "lột xác" của Lý Huỳnh với hai vai diễn nghĩa khí và chất phác Nam Bộ trong Vùng gió xoáy và Hai Cũ.

Nghệ sĩ Trần Quang cho rằng đó cũng là tính cách của Lý Huỳnh ngoài đời: "Ông là một con người và nghệ sĩ rất nghĩa hiệp, giúp đỡ nhiều đồng nghiệp trước 1975 tham gia hoạt động phim ảnh khi ông đứng ra làm sản xuất phim.

Đáng tiếc là thập niên 1990, Lý Huỳnh hơi nóng vội khi gia nhập thị trường điện ảnh tư nhân và sản xuất nhiều bộ phim chất lượng thấp trong giai đoạn phim "mì ăn liền", khiến bộ phim cuối cùng của ông (Tây Sơn hào kiệt - NV) thất bại khá nặng nề".

"Nhưng dấu ấn của Lý Huỳnh với những bộ phim của điện ảnh cách mạng sau 1975 là không thể phủ nhận" - Trần Quang nói thêm.

Theo TTO

Bạn đang đọc bài viết "Lý Huỳnh - nghệ sĩ chất phác, nghĩa hiệp đúng chất Nam Bộ" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).