Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu - sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con người

23/10/2020 17:35

(Arttimes) - Sự thật, để đến với nhân dân, trở thành của nhân dân rất cần chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp đến mức làm cho người ta quên thơ đi chỉ còn cảm thấy có tình người là đến gần nhân dân nhất. Tố Hữu ra khó tính với thơ mình.

Tôi nhớ ngày này, cách đây mười năm trước. Sau khi nghe cháu Hoa, con gái đầu lòng của anh Lành báo tin dữ, tôi tìm cách đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 một cách nhanh nhất, có thể. Nhưng khi đến nơi, người ta đã đưa anh xuống nhà lạnh. Trong đầm đìa nước mắt, chị Thanh và các cháu rã rời thu dọn mấy thứ đồ đạc của Anh. Tất cả còn đây mà tất cả không còn. Chiếc giường nệm trắng nâng đỡ Anh ròng rã tám tháng trời. Và bảng chữ cái in đầy những dấu tay đã giúp Anh liên hệ khó nhọc với xung quanh thay giọng nói đã bị căn bệnh hiểm nghèo cướp mất. Tôi lặng lẽ đến bên chị Thanh và các cháu và chọn sự im lặng là ngôn ngữ thích hợp nhất vào lúc ấy. Tôi thấm thía một tàn nhẫn: Nền thơ đương đại của chúng ta đã mất người đại diện sáng chói nhất

1.

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. Đó là một thiên đại tự sự của Tố Hữu, của cả một đội ngũ cách mạng thế hệ Anh. Tố Hữu phát hiện ra cách mạng, phát hiện ra tất yếu của tự do, đồng nghĩa với phát hiện ra nhân dân. Và cách mạng cũng phát hiện ra Anh, trao cho Anh cái thiên chức làm chứng nhân của lịch sử. Cuộc đời Tố Hữu có những nét chung, tiêu biểu của thế hệ cách mạng lớp đầu. Năm 16 tuổi, giác ngộ cách mạng từ trên ghế nhà trường. Năm 17 tuổi, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó tham gia Thành ủy Huế.

Năm 1938, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và bị kết án hai năm tù. Một hạn tù không đến nỗi dài, nếu thúc thủ, sẽ lại sớm tự do. Nhưng ở trong tù, Anh là phần tử “cứng đầu” đấu tranh quyết liệt chống tra tấn, đánh đập, do đó mức án tù không xử mà cứ tăng dần, tăng dần mãi, kéo theo một chuỗi ngày cực hình, biệt giam từ Huế đến Quy Nhơn, lên Lao Bảo, lên Đăk Lay (Kon Tum). Bức bối với cảnh tù ngục, sôi sục trước phong trào cách mạng bên ngoài, năm 1942, Anh vạch kế hoạch vượt ngục, và được chi bộ nhà tù đồng ý. Vượt muôn vàn hiểm nghèo, thú dữ, đói khát, nanh vuốt dày đặc của kẻ thù, Anh về nhà cơ sở ở Quảng Nam, xin một bộ quần áo phụ nữ, đóng giả làm con gái, đi xe hoả ra Hà Nội tìm Trung ương. Lúc này nỗi hiểm nguy lại mang một màu sắc khác: Đóng phụ nữ đẹp, thì sợ bọn cảnh sát trên tàu trêu ghẹo, dễ bị lộ, đóng xấu quá thì cũng làm chúng sinh nghi.

Phê bình - Lý luận  - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu - sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con <a href=người" src="/uploads/media/nguyen-thi-chi/2020/10/23tohuu2.jpg" width="450" height="622.3943661971831" />

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh Tư liệu

Tại Hà Nội, anh gặp nhà thơ Thôi Hữu, tức Tân Sắc, lúc đó là Thành ủy viên, để bắt liên lạc với Trung ương, sau đó Anh được cử về Thanh Hóa xây dựng lại phong trào và trở thành Bí thư của tỉnh rộng lớn và đông dân nhất nước từ năm 1943 đến năm 1945. Năm 1945, trước cao trào cách mạng mới, Anh được cử tham gia Ủy ban khởi nghĩa suốt một dải Miền Trung từ: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, là một trong những cán bộ chủ chốt tổ chức lại Xứ ủy trung kỳ sau đó làm phó Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế, trực tiếp tổ chức lễ thoái vị của Bảo Đại, chấm dứt chế độ phong kiến mấy nghìn năm.

Năm 1946, sau một thời gian ngắn công tác ở Trung ương, Anh lại được cử về Thanh Hóa làm Bí thư Tỉnh ủy.

Từ năm 1947, Anh được điều động ra Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ, làm Trưởng ban văn nghệ Trung ương. Vừa nhận nhiệm vụ, với chiếc ba lô nhỏ, Anh và chị Thanh, người bạn đời và người đồng chí thủy chung, từ chiến khu Việt Bắc đi bộ về ấp Cầu Đen thuộc Nhã Nam, Bắc Giang gặp Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Đỗ Nhuận, Tạ Thúc Bình, Kim Lân lập đại bản doanh văn nghệ kháng chiến. Công việc vừa bắt đầu thì chiến dịch Việt Bắc bùng nổ. Anh cùng với các văn nghệ sĩ tiến hành một cuộc tản cư từ Bắc Giang về Thái Nguyên, đụng giặc nhảy dù, vượt Tam Đảo sang Vĩnh Yên, lại đụng giặc, đành tìm cách “sông Lô sang Phú Thọ, trụ lại ở Hạ Hòa, lập đại bản doanh và vô kháng chiến. Chưa đầy một năm sau, tại đây, Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức với bản thuyết trình “chủ nghĩa Mác và những vấn đề văn hóa Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh.

Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, báo Văn nghệ, nhà xuất bản Văn nghệ ra đời. Năm 1949, Anh đầu quân, làm Trưởng tiểu ban văn nghệ quân đội. Qua kháng chiến chống Pháp, những năm xây dựng hòa bình, rồi chống Mỹ, rồi hàn gắn vết thương chiến tranh, Tố Hữu từng bước trở thành nhà lãnh đạo cấp chiến lược, trải qua rất nhiều cương vị, cương vị cao nhất trong Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, rồi được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ).

Với Tố Hữu, sinh mệnh của cách mạng cũng là sinh mệnh của thơ ca. Nhà cách mạng và thi nhân trong Anh là một. Quả thật trong nền thơ của chúng ta không có ai nói về cách mạng từ bóng tối ra ánh sáng bị thương, sung mãn và tha thiết như Anh. Bí quyết nào từ một trang thư sinh nhỏ thó, cao 1m58, nặng trên 40kg, giọng nói nhỏ nhẹ như con gái lại có sức mạnh xốc dậy cả một lớp người sau những trận khủng bố trắng:

Dậy mà đi! Dậy mà đi

Không tiếc nữa, can chi tiếc mãi

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.

Nhiều khi tôi tự hỏi, đối với tình yêu thì giọng tâm tình là thích hợp nhất, đối với không khí thanh bình thì tiếng sáo là đắc địa nhất. Vậy đối với cuộc tranh đấu của một dân tộc giành tự do, âm điệu nào là thích hợp nhất? Tố Hữu hơn một lần chứng minh rằng, tình ca và tráng ca hoàn toàn có thể và cần thiết kết hợp với nhau để tạo nên hòa điệu đẹp đẽ của lòng yêu nước. Thơ Tố Hữu là cách mạng hóa tình cảm, tình cảm hóa cách mạng. Đó là con đường ngắn nhất để tạo ra sự “đồng điệu”, tạo ra “đồng ý, đồng tình”, “tạo ra tiếng nói đồng chí”. Trên con đường đi của lịch sử, có những dấu chân ta nhìn thấy, có nhiều dấu chân ta không nhìn thấy. Nhưng nhìn thấy hay không nhìn thấy thì có quan trọng gì, quan trọng nhất là nó cùng đi trên một con đường.

Bầm ơi có rét không bấm

Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội xuống bàn tay cắm mạ non.

Cảnh ấy, người ấy, thơ ấy có thể đẩy về hàng nghìn năm trước vẫn hợp thời. Vậy mà nói, thơ Tố Hữu là sử thi của cách mạng, thì cách mạng ở chỗ nào? Vâng, đây chính là những dấu chân khôn nhìn thấy trên đại lộ của thơ ca. Bởi vì cách mạng mà không có nhân dân thì cách mạng chỉ còn tồn tại trong chân không. Tố Hữu chính là người đã phát hiện ra tính chất nguồn cội của cách mạng, đó là nhân dân, trong sự bền vững và cụ thể nhất của nó. Nhân dân là điệp khúc đậm nhất vang lên trên mọi nẻo đường cách mạng và kháng chiến trong thơ Tố Hữu. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu nói của Gớt. Trả lời câu hỏi: “Nghệ thuật là gì?”, Gớt nói:

- Nghệ thuật là sự che dấu nghệ thuật.

Thơ tố Hữu có nhiều bài, nhiều đoạn có vẻ như không có nghệ thuật gì cả. Chữ nghĩa của ông cứ tay lấm chân bùn từ ngoài đời mà bước thẳng vào thơ. Ấy thế mà nó có sức chấn động biết bao tâm hồn. Lẽ giản đơn là Anh đã lần tìm ra nguồn mạch chính nhất của đời sống, cũng là mẫu số chung của hàng triệu con người: Khát vọng độc lập, tự do, khát vọng giải phóng. Vì cái lẽ giản đơn và lớn lao này mà lúc trẻ, tôi không hiểu hết Tố Hữu, khi Anh nói: “Thơ hay làm người ta quên thơ đi, để chỉ còn cảm thấy có tình người. (Thơ của chúng ta hôm nay đang cố làm cho người ta nhớ thơ với chữ nghĩa kềnh càng mà nhiều khi quên mất cái quan trọng nhất là làm cho người ta chỉ còn cảm thấy có tình người). Giữa những trang phục choáng lộn, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tận hình thức, Tố Hữu khiêm nhường nhận bộ cánh xuềnh xoàng: Nhà thơ của nhân dân Với bộ cánh đó, thơ Anh có ảnh hưởng rộng lớn nhất trong nhân dân.

Viết những dòng này, khi tôi đang trong những ngày hoang vắng và trầm uất nhất trước một cái tang lớn sập xuống trong đời. Trong những ngày cuối cùng của mẹ tôi, con cháu quây quần, đứa nào đến bên giường bệnh cũng hỏi: “Mẹ có nhận ra con không? Bà có nhận ra cháu không?” Mẹ lặng lẽ gật đầu, gọi tên từng đứa. Có đứa muốn kiểm tra sức khỏe bà, nựng khéo: “Bà kể Hạnh cho cháu nghe đi”. Hạnh là kinh Phật, mẹ có thể đọc hết ngày này sang ngày khác. Nhưng lạ, mẹ không kể Hạnh, mà đọc thơ Tố Hữu. Giọng mẹ đã có lúc hụt hơi, nhưng vẫn rành rọt:

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Trời ơi, mẹ mượn thơ tố Hữu để nói với con cháu! Cứ thế, hết Bầm ơi, rồi lại “bà bủ nằm ở chuối khô”, rồi “Mình về mình có nhớ ta”. Thương mẹ mệt, tôi nài mẹ nghỉ. Mẹ nắm chặt lấy tay tôi: “có người đến đang kéo mẹ đi, các con kéo chặt mẹ lại. Tiếc con tiếc cháu quá!”. Tôi đau đớn biết điều gì sắp xảy ra. Thế đấy, ơi anh Lành! Đời anh đã được nhận bao nhiêu vinh dự. Nhưng có một vinh dự hiếm hoi mà Anh không kịp nhận. Một bà mẹ 92 tuổi, ở một vùng trung du xa khuất, trong lúc hấp hối vẫn còn nhớ và đọc thơ Anh.

Trong dịp khánh thành Nhà tưởng niệm Tố Hữu, Đồng chí Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN lần đầu tiên công khai một chi tiết: Sinh thời Bác Hồ thường nhờ ba người chuẩn bị cho các bài viết: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nhà thơ Tố Hữu và Nhà báo Đỗ Phượng. Tố Hữu chiếm kỷ lục ít bị Bác sửa nhất. Chi tiết đó nói với chúng ta những gì? Tố Hữu trong thơ và ngoài thơ, Anh đều thống nhất trong sự tìm kiếm con đường ngắn nhất đến với nhân dân.

2.

Với nhân dân là điểm tựa, Tố Hữu tìm ra cái bí quyết giải bài toán khó nhất của thơ ca: Kết hợp nhuần nhuyễn giữa biến số và hằng số, phi thường và bình thường, cao cả và bình dị, thời sự và muôn thuở, dân tộc và thời đại. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Anh luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu, hầu như không cột mốc nào của cách mạng và kháng chiến không để dấu ấn sâu đậm trong thơ Anh. Tố Hữu chủ trương cập nhật và hiện diện nhưng cũng vô cùng tỉnh táo và bản lĩnh để nghĩ đến mai sau. Một trong những cái khó nhất của nhà thơ là biết vượt qua đề tài. Tố Hữu vượt qua đề tài một cách rất tài năng.

Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

Bóng vờn trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá nguy trang reo với gió đèo.

Đúng là rất đẹp. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là rất hoành tráng Những bài thơ chỉ thực sự có chiều sâu là nhờ ở những câu sau đây:

Anh về cối lại vang rừn

Chim reo quanh mái mừng dưới sân

Anh về sáo lại ái ân

Đêm trăng hò hẹn trong ngần tiếng ca.

người nói cách mạng và nhân văn, tôi không thích tách ra như vậy. Tách ra như vậy dễ gây suy diễn, hiểu nhầm; cách mạng thì không nhân văn, nhân văn thì không cách mạng. Với Tố Hữu, cách mạng và nhân văn luôn luôn thống nhất. Hai khổ thơ vừa trích dẫn là một ví dụ.

Tố Hữu là người viết nhiều và viết hay nhất về Bác. Ai cũng biết viết về Bác cho hay là khó vô cùng. Tố Hữu viết về Bác với ý nghĩa Bác là tinh hoa, là khí phách, là kết tinh mọi giá trị của nhân dân, của dân tộc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn thường nói. Và ở đề tài rất khó này, Tố Hữu vẫn thực hiện được sự kết hợp tài hoa giữa yếu tố cao cả với yếu tố bình thường để Bác hiện lên đúng như Bác nhất.

Bác ngồi đó lớn mênh mông

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non.

Phê bình - Lý luận  - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu - sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con <a href=người (Hình 2)." src="/uploads/media/nguyen-thi-chi/2020/10/23tohuu.jpg" width="450" height="316.00496277915636" />

Bác Hồ cùng với nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó (1961). Ảnh Tư liệu

Thật đáng khâm phục là bên cạnh những câu thơ lớn lao như thế, Tố Hữu khai thác chi tiết rất bình dị:

Con bồ câu trắng ngây thơ

Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn.

Hai câu này, có lúc bị phê là tự nhiên chủ nghĩa. Sau nhiều suy tính, Tố Hữu quyết định lấy lại, làm tăng cái không khí ấm áp, thân gần của lãnh tụ mà vẫn đề cao tính khái quát của bài thơ. Nhưng kỳ lạ nhất, phải nói đến hai câu thơ thiên tài:

Một khi lòng ta xao xuyến rung rinh

Môi ta thầm kêu: Bác Hồ Chí Minh

Câu thơ viết cách đây 60 năm mà như viết cho chúng ta trong chính những ngày này.

Trong bài Bác ơi!, Tố Hữu kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố tự sự và trữ tình, và đột ngột khái quát

Mong manh áo vải hôn muốn trượng

Hơn tượng đồng phai những lối mòn.

Phải là người có tầm nhìn rộng, hiểu người và hiểu ta, hiểu thời đại của mình thế nào mới có thể viết được những câu thơ như thế. Tố Hữu chứng minh rằng, nhà thơ chân chính rất cần sự tiên phong về chính trị và tư tưởng. Tố Hữu đã từng ở đỉnh cao của cương vị, quyền lực nhưng nhờ gần dân, hiểu dân, trung tín với dân, nên Anh không bị quyền lực và cương vị làm xơ cứng. Nhân dân trong Anh không phải là một khái niệm trừu tượng chung chung mà hiện ra thành máu thịt, thành số phận, thành khắc khoải vui buồn, thành sự sống; Xưa nay, thơ cổ kim Đông Tây vẫn coi cá nhân nhà thơ là chủ thể trữ tình bậc nhất, Tố Hữu vẫn kế thừa truyền thống ấy, nhưng Anh có công lớn mở rộng thành trữ- tình-công-dân với những nhân vật rất cụ thể. Từ em Phước, chú Lượm, bà má Hậu Giang đến bà Bủ, bà bầm, rồi mẹ Tơm, chị quét rác, chị Lý, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng Hồ Giáo, Phạm Hồng Thái, cụ Nguyễn Du, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Hưng Đạo vương và bà hàng nước, E-mi-ly, mẹ Diện và cờ bên cầu Hiền Lương, Lê Duẩn, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Trứ, nhà thơ Tú Xương, Họa sĩ Tô Ngọc Vân...

Nhắc đến Tô Ngọc Vân, tôi nhớ câu chuyện mà giáo sư Tô Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, con trai cả nhà danh họa Tổ Ngọc Vân vừa tâm sự: “Trong lần đến thăm nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu, Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu được biết nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân ở cùng phố. Thế là sau khi trò chuyện với Văn Cao, Tố Hữu tìm nhà thắp hương họa sĩ Tô Ngọc Vân. Anh ngạc nhiên thấy gia đình gieo neo quá, một mẹ già và các anh em chỉ trông vào suất lượng giáo viên cấp 1 của anh Tô Ngọc Thanh. Và ngạc nhiên hơn là hòa bình mấy năm rồi, họa sĩ Tô Ngọc Vân vẫn không được công nhận là liệt sĩ. Tố Hữu rất buồn. Mấy hôm sau, anh cử người xuống chuyển một món tiền kha khá của Anh xuống tặng gia đình, rồi xúc tiến mọi thủ tục truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho họa sĩ Tô Ngọc Vân, thu xếp việc làm cho bà Vân, tạo điều kiện cho các con họa sĩ đi học tập ở nước ngoài. Tố Hữu đời thường là như thế.

Với Tố Hữu, nhân dân tìm thấy nhà thơ của mình, tìm thấy người thông tỏ những đòi đoạn sâu thẳm của lòng người, của thời cuộc. Năm 1986, ta vừa Đổi Mới. Năm 1987, Tố Hữu viết bài thơ Thật giả báo động rất sớm về căn bệnh suy thoái hiểm nghèo “Giả là như thật. Khó chi mô”. Theo dõi chặng thơ Anh từ đó về sau, ta thấy Anh phân thân ghê gớm. Có một Tố Hữu hồ hởi, nâng niu, chăm chút từng mầm, từng đọt non tơ của cuộc đổi đời. Anh làm thơ ca ngợi những người làm dầu khí, người nuôi trăn, tơ tằm Bảo Lộc... Bài thơ Tiếng còi xa viết vào dịp 75 tuổi, vẫn có cái hơi của Bài ca xuân 61 năm nào. Anh tâm nguyện:

Được làm cây lúa vàng thơm hạt

Làm tiếng chim thanh hót sớm chiều

Làm đường gạch lát đường thôn mát

Tri kỷ, tri âm, chẳng đợi nhiều

(Tiếng còi xa - 20/12/1995)

Và có một Tố Hữu khác, đau đớn, phẫn nộ trước bao nhiêu cảnh khổ đau, bất công, nghịch cảnh:

Ôi! Đời vẫn còn rơi bao nước mắt

Bao bất công còn đau thắt lòng ta

Sao lắm kẻ gian tà giấu mặt

Vàng đầy kho, ngạo nghễ xa hoa!

(Cho xuân hạnh phúc đến muôn đời - 1/1/1997)

Anh quặn thắt biết bao câu hỏi về nhân thế:

Ôi! Thị trường cũng “chiến trường” thắng bại

Còn chỗ chăng cho tình thương lẽ phải

(Du xuân - 20/1/1999)

Và phải là Tố Hữu, một bản lĩnh chính trị kiên cường, một nhà thơ với biết trải nghiệm qua những thăng trầm của cách mạng, mới có thể viết:

Sao lắm kẻ xưng danh đồng chí

Nhạt lương tâm, lạnh ngắt đồng tiền

Gian tà dám bán rao đạo lý

Tham nhũng leo thang bậc cửa quyền

(Chào xuân 99)

Ở những năm tháng cuối đời, Tố Hữu vật vã “không thể nào yên” trước biết bao ngang trái. Thơ Anh lặn xuống tới chỗ sâu nhất của nhân tình, của thế sự, của lương tâm. Vì nhân dân, vì sự nghiệp, Anh nhận lấy trách nhiệm làm một người lính tiên phong chống suy thoái:

Rác rưởi thì cùng nhau quét dọn

Lẽ nào cỏ dại lại là hoa

(Vạn xuân - 1/1998)

3.

Cũng giống như cái tài năng lớn, khi xuất hiện, Tố Hữu từ những dòng đầu đã trở nên chuyên nghiệp ngay. Tế Hanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận đều như vậy. Hãy trở lại những bài thơ đầu tay của Tố Hữu:

Trên dòng Hương Giang

Em buông mái chèo Trời trong veo

Nước trong veo

Em buông mái chèo

Trên dòng Hương Giang

Là rất chuyên nghiệp. Và cũng rất chuyên nghiệp “Dưới 4 xa nghe tiếng quốc đi về”. Hoặc mở đầu bài

Nhớ đồng, tặng Nguyễn Chí Thanh viết tháng 7/1939:

sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò.

Thơ Tố Hữu những năm cuối đời, mạch thế sự có phần nổi trả hơn nhưng cảm xúc vẫn mãnh liệt, sức liên tưởng còn cường tráng vụ quát, nghĩa là vẫn rất chuyên nghiệp:

Thế kỷ mới, vừa tròn một tuổi

Lò dò đi... Mặt đất mù sương

Dẫu còn bao hùm sói mặt người

Bao lầm lỗi, gian tham, ác độc

Không gì ngăn được bước đi của dân tộc

(Cảm nghĩ đầu xuân 2002)

Phê bình - Lý luận  - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu - sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con <a href=người (Hình 3)." src="/uploads/media/nguyen-thi-chi/2020/10/23tohuu1.jpg" width="450" height="616.5" />

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh Tư liệu

Anh viết bài thơ này vào ngày mở đầu năm 2002. Thật khó tin một phong độ như thế, mấy tháng sau, Anh đi khám bệnh, bác sĩ giữ lại và Anh ở liền trong bệnh viện cho đến ngày 9/02 thì vĩnh biệt chúng ta.

Thật tệ hại, nếu hiểu, để đến gần dân, thơ chỉ cần nôm na, dễ dãi. Sự thật, để đến với nhân dân, trở thành của nhân dân rất cần chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp đến mức làm cho người ta quên thơ đi chỉ còn cảm thấy có tình người là đến gần nhân dân nhất. Tố Hữu ra khó tính với thơ mình. Nhiều bài thơ của Anh đã in trên sách báo lâu rồi, khi vào tập chọn, tập tuyển, Anh lại chữa, lại sửa chữa và sửa máy Với anh, việc đời và việc thơ không bao giờ xong.

Tố Hữu là như vậy. Và vì thế Anh còn mãi với chúng ta.

HỮU THỈNH

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu: Thơ Tố Hữu - sinh mệnh của cách mạng, sinh mệnh của con người" tại chuyên mục PHÊ BÌNH - LÝ LUẬN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).