Đừng để Covid làm gia tăng khoảng cách xã hội

13/08/2020 20:51

(VHNT) - Bất bình đẳng là vấn đề muôn thuở của xã hội. Nhưng khi cơn bão mang tên Covid-19 càn quét tới, "căn bệnh" này lại càng thêm trầm trọng.

Trong xã hội luôn có người giàu và người nghèo. Đó là một quy luật không thể tránh khỏi ở bất cứ quốc gia và nền văn minh nào. Sự khác biệt chỉ là khoảng cách giữa 2 thành phần này ra sao mà thôi.

Ở những nước có nền kinh tế phát triển và ổn định nhiều năm qua như các quốc gia ở Bắc Âu, tình trạng bất bình đẳng trong xã hội đã được giảm xuống một cách đáng kể. Nhưng với những quốc gia đang phát triển, rất khó để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và xa hơn là sự bình đẳng giữa các thành phần của xã hội.

Và tình trạng này càng lộ rõ trong thời buổi dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng trên toàn thế giới. Theo thống kê mới nhất, số người nhiễm đã lên tới hơn 20 triệu trong khi số ca tử vong rơi vào khoảng 745.000.

Đó là những con số đầy báo động về tình hình sức khỏe của con người trên Trái đất. Nhưng ngoài những hệ lụy về y tế hay kinh tế, đại dịch Covid-19 cũng khoét sâu thêm vấn đề bất bình đẳng.

Theo báo cáo năm 2020 của Liên hợp quốc (LHQ), tỷ lệ người nghèo cùng cực được dự báo sẽ tăng lần đầu tiên sau 22 năm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo những phân tích cập nhật, báo cáo của cơ quan LHQ dự báo khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay khi dịch bệnh lây lan và trở thành nguyên nhân gây suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái trong năm những năm 30 của thế kỷ 20.

Khoảng 58 triệu trong số 71 triệu ngườingười lao động sống dựa vào các hoạt động kinh tế không chính thức và thu nhập của họ ước tính sẽ giảm khoảng 60% trong tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Số lao động này bao gồm khoảng 32 triệu người tại Nam Á và khoảng 26 triệu người tại khu vực Nam sa mạc Sahara.

Cũng theo nghiên cứu của LHQ, Hệ số Gini (hệ số đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) đã giảm ở 38/84 quốc gia. Trong số này, đa số là những nước đang phát triển.

Nhóm người dễ bị tổn thương nhất khi đại dịch Covid-19 tràn tới là người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người di cư và người tị nạn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho ảnh hưởng của đại dịch với sự bất bình đẳng.

Góc nhìn - Đừng để Covid làm gia tăng khoảng cách xã hội

(VHNT) - Bất bình đẳng là vấn đề muôn thuở của xã hội. Nhưng khi cơn bão mang tên Covid-19 càn quét tới, "căn bệnh" này lại càng thêm trầm trọng

Người già chính là những người dễ mắc bệnh và dễ tử vong nhất. Trong khi đó, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người di cư và người tị nạn là những nhóm người không hoặc ít có điều kiện để đối phó với dịch bệnh.

Khi dịch bệnh xảy ra, một người giàu và có điều kiện có thể không cần ra khỏi căn biệt thự của mình mà vẫn có thể sống thoải mái. Họ chỉ cần chi tiền cho các dịch vụ giao đồ và tận hưởng mọi tiện ích. Đối với họ, đây chỉ là khoảng thời gian để nghỉ ngơi và khám phá những điều mới mẻ.

Nhưng với những người không có nhiều tiền, dịch bệnh thực sự là cơn ác mộng. Họ bị mất việc làm, không có nguồn tiền dự trữ và bị buộc phải ở nhà với cái bụng đói. Với họ, mồ hôi ngừng rơi là miệng ngừng nhai.

Họ đâu có thể thành thơi ngồi nhà đọc sách, xem phim hay tập yoga như những người có điều kiện. Họ chỉ biết ngồi nhìn nhau và hy vọng ngày mai hết dịch để còn lao ra đường kiếm cơm.

Và không chỉ không có tiền để sống, người nghèo còn không được tiếp cận y tế một cách đầy đủ như những người có điều kiện. Họ không có tiền để mua khẩu trang và cũng chẳng thể kham nổi chi phí chữa bệnh đắt đỏ.

Những người lao động chân tay đã phải vô cùng khổ sở trong thời gian đại dịch Covid-19 nổ ra.

Ở Việt Nam, những lao động kiểu này cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với sự nhanh nhạy và quyết tâm không để cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Chính phủ đã hết sức hỗ trợ. Những cây gạo ATM mọc lên khắp nơi, những khu cách ly được hỗ trợ đầy đủ, khẩu trang, nước rửa tay được cung cấp đầy đủ, không để xảy ra tình trạng thiếu thốn. Và như đã thấy, chúng ta đã thu lại những kết quả xứng đáng.

Mặc dầu vậy, ở bình diện chung Covid-19 vẫn đang thực sự là cơn ác mộng với nhân loại. Và không chỉ là một bệnh dịch thông thường, nó còn đủ hiểm ác, đủ thời gian để khoét sâu vào cái khoảng cách giàu - nghèo trong các xã hội.

Văn Giang

Bạn đang đọc bài viết "Đừng để Covid làm gia tăng khoảng cách xã hội" tại chuyên mục SÂN KHẤU - ĐIỆN ẢNH. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).