Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…?

09/10/2020 17:42

(VHNT) - Giữa những lùm xum về hàng loạt dự án “ma” CTCP Him Lam (Him Lam Corp) hay CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đang hoạt động như thế nào? Ai là người đứng sau và những mối liên hệ “kín” này có “tiếp tay” cho Him Lam Group thực hiện các dự án này hay không?

Mối liên hệ giữa Sacombank – LienVietPostBank và Him Lam Group là gì?

Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI) làm chủ đầu tư rộng 117 ha nằm tại Quận 2, TP.HCM. Dự án giáp đường Đỗ Xuân Hợp phía Đông, phía Tây giáp dự án Sài Gòn Sports City do Keppel Land (Singapore) và Chiap Hua (Hồng Kông), phía Nam giáp đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Đây là một dự án đáng mơ ước của nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Đối với những thành phố lớn, quỹ đất ngày càng khan hiếm như TP HCM thì 117ha thực sự là một con số “khủng”. Tuy nhiên, dù được quy hoạch đã 20 năm nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống bỏ hoang.

Kinh tế - Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…?

Vị trí dự án KĐT Sài Gòn – Bình An.

Cụ thể, dự án KĐT Sài Gòn – Bình An hình thành từ năm 2001 khi Chính phủ có quyết định cho phép SDI sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (Saigon Golf, Country Club and Residences) tại phường An Phú quận 2 TP HCM.

Tháng 10/2010, dự án Saigon Golf Country Club and Residences đã được chủ đầu tư SDI tổ chức lễ khởi công chính thức. Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành khu vực sân golf vào cuối năm 2012 và toàn bộ dự án vào cuối năm 2013.

Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án không như kế hoạch đề ra và đến cuối năm 2014, UBND TP HCM đã đề nghị đưa sân golf này ra khỏi danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 của Thành phố. Đề xuất này được Thủ tưởng Chính phủ chấp thuận.

Đến năm 2015, theo một quyết định điều chỉnh quy hoạch, sân liên hợp sân golf này được chuyển đổi thành dự án khu đô thị., điều chỉnh từ dự án Saigon Golf Country Club and Residences thành Khu đô thị Sài Gòn – Bình An. Tính chất là khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.

Đi kèm với đó là việc thay đổi chủ sở hữu dự án sau đó 1 năm với sự xuất hiện của Tập đoàn Him Lam.

Được biết, tháng 6/2016, SDI tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 845 tỷ đồng lên thành 3.845 tỷ đồng, với hầu hết cổ phần (308.788.000 trong tổng số 384.500.000 cổ phần) thuộc sở hữu của Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land). Được biết, Him Lam Land là doanh nghiệp được sở hữu bởi Him Lam Group.

Sau đó, Him Lam Land đã đem toàn bộ 308.788.000 cổ phiếu SDI làm tài sản bảo đảm tại Sacombank – Chi nhánh Trung tâm. Dự án được định giá gần 20.000 tỷ đồng khi thế chấp tại các chi nhánh của Sacombank đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận và thị trường.

Để thực hiện giao dịch này, 8 chi nhánh của Sacombank đã cùng tham gia bao gồm các chi nhánh Trung tâm, Sài Gòn, Bến Thành, Gò Vấp, Quận 12, Chợ Lớn, Củ Chi và Quận 8.

Sau nhiều năm bất động, đến đầu năm 2020, cả dự án và khoản đảm bảo đã có những diễn biến mới. Theo đó, vào tháng 4/2020, truyền thông và dư luận ồn ào câu chuyện về dự án này vừa được phê duyệt 1/500, các sản phẩm bất động sản tại đây sắp được bán ra thị trường, giá chào bán dự kiến 230 triệu/m2.

Đáng chú ý, khoản tài sản đảm bảo gắn liền với dự án này cũng đồng thời được chuyển từ Sacombank sang LienVietPostBank.

Thông tin tên Tạp chí Bất Động sản Việt Nam gần đây cho biết: Ngày 23/9/2019, 15/1/2020, 17/6/2020, 23-26-29/6/2020 và 14/8/2020, các nội dung liên quan đến giao dịch đảm bảo của Công ty SDI được thay đổi. Theo đó, đơn vị nhận cầm cố dự án liên quan đến doanh nghiệp này được thay đổi sang LienVietPostBank. Như vậy, Sacombank chuyển khoản nợ “khủng” sang LienVietPostBank?

Nếu nghi vấn này là sự thật thì tại sao Sacombank chấp nhận “chôn vốn” tại một dự án đắp chiếu nhiều năm nhưng đến lúc dự án được triển khai thì lại về tay LienVietPostBank. Vậy giữa Sacombank – LienVietPostBank và tập đoàn Him Lam có mối liên hệ gì?

Kinh tế - Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…? (Hình 2).

Ông Trần Văn Tĩnh

Him Lam Land hay CTCP Him Lam (Him Lam Corp –  cựu cổ đông lớn của LienVietPostBank) là hai pháp nhân lõi trong “hệ sinh thái” của Him Lam Group và chính Him Lam Group đã gắn liền với tên tuổi ông Dương Công Minh, người hiện là Chủ tịch của Sacombank. Chẳng quá lời khi nói Him Lam chính là “bệ phóng” để người sáng lập – ông Dương Công Minh – vươn tới những cương vị cao nhất tại LienVietPostBank (Mã CK: LPB) và nay là Sacombank (Mã CK: STB).

Các tài liệu công bố công khai cho thấy, kể từ khi là chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh hiện không nắm giữ trực tiếp cổ phần tại Him Lam Corp hay Him Lam Land. Tuy chưa có ai đưa ra bằng chứng xác đáng nhưng giới đầu tư vẫn đồn đoán về một mối liên hệ còn tồn tại giữa ông Minh và tập đoàn này.

Theo tìm hiểu, trong danh sách ban lãnh đạo của  Him Lam Corp và Him Lam Land dòng họ “Dương” khá nhiều. Cụ thể, bà Dương Thị Liên (em gái của ông Dương Công Minh) đang là Thành viên HĐQT của Him Lam Corp với 36,6% cổ phần. Ông Dương Công Hùng là tổng giám đốc và Dương Công Thuyền là phó tổng giám đốc của Him Lam Corp. Ông Trần Văn Tĩnh (anh họ ông Dương Công Minh) hiện là chủ tịch của Him Lam Corp và Him Lam Land,

Ngoài ra, ông Dương Công Đoàn hiện là thành viên HĐQT của Him Lam Land (người nắm giữ 80% cổ phần). Ông Dương Công Đoàn là anh trai ông Dương Công Toàn, người được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cuối tháng 4/2019.

Him Lam Group làm ăn ra sao?

Him Lam Group được ông chủ Dương Công Minh gây dựng gần 20 năm, nhưng trên website Him Lam ngoài thông tin về hoạt động từ thiện thường xuyên được cập nhật, những thông tin về hoạt động kinh doanh lại rất ít ỏi. Sau nhiều năm hoạt động, Him Lam Group thông qua cả chục công ty thành viên đã hình thành một hệ sinh thái trong lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng.

Với danh mục dự án BĐS mà tập đoàn Him Lam công bố trên website của mình, đơn vị này thuộc vào nhóm số ít công ty sở hữu quỹ đất lớn tại Việt Nam. Có khoảng trên 30 dự án Him Lam Group làm chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư. Trong đó, khoảng 50% số dự án đã hoàn thành, số còn lại đang được tập đoàn này đang triển khai và sắp triển khai.

Tính đến cuối năm 2017, sau 9 năm đi vào hoạt động, Him Lam Corp – cựu cổ đông lớn của LienVietPostBank có quy mô tổng tài sản đạt tới 45.655 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với vốn chủ sở hữu, tương đương gần 2 tỷ USD. Trong đó, các tài sản ngắn hạn của Him Lam Corp đạt 29.800 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản.

Năm 2017 cũng là thời điểm mà Him Lam Corp triệt thoái 96,8 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 14,98% cổ phần của LienVietPostBank. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần mà Him Lam Corp ghi nhận trong năm chỉ đạt hơn 37 tỷ đồng, bằng một nửa so với kết quả ghi nhận vào năm 2016. Có thể thấy, sau khi Him Lam Corp không còn là cổ đông lớn của LienVietPost thì mối quan hệ tín dụng lại có phần khăng khít hơn.

Còn nhớ, khu nhà ở Him Lam Tân Hưng toạ lạc tại quận 7, Tp.HCM. Đây là dự án do Him Lam Corp làm chủ đầu tư, xây dựng theo định hướng là một khu đô thị mới, kiểu mẫu. Năm 2006,  doanh nghiệp được UBND Tp.HCM giao đất để đầu tư xây dựng khu nhà ở. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân sống tại khu nhà ở Him Lam phản ánh về việc chiếm dụng đất công để xây dựng quán ăn, bãi giữ xe.

Kinh tế - Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…? (Hình 3).

Khu nhà ở Him Lam Tân Hưng

Thành lập trong năm 2008, Him Lam Land ban đầu đóng vai trò là nhà phân phối cho các dự án bất động sản của Him Lam, nhưng sau đó, công ty đã trực tiếp trở thành chủ đầu tư tại một số dự án khác, chủ yếu tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.

Tại TP. HCM, doanh nghiệp này là chủ đầu tư một số dự án như: Dự án Chung cư Him Lam Riverside (quy mô 1,2 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Phú An (1,8 ha, tổng vốn đầu tư 1.770 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Chợ Lớn (4 ha, tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng).

Tại Hà Nội, thành viên của Him Lam Group là chủ đầu tư các dự án Biệt thự sinh thái Long Biên (0,32 ha; tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng), dự án Himlam Vạn Phúc (0,06 ha, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng).

Đầu tư vào hàng loạt dự án, tới cuối năm 2018, tổng tài sản của Him Lam Land đạt 7.906 tỷ đồng, chủ yếu là phải thu ngắn hạn (3.149 tỷ đồng) và phải thu dài hạn (2.812 tỷ đồng), hàng tồn kho ở mức 1.313 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn là 1.875 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần năm 2018 đạt 1.606 tỷ đồng, lãi sau thuế 108 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2017 (146 tỷ đồng). Năm 2019, doanh thu thuần chỉ đạt 1.394 tỷ đồng, giảm khoảng 13% so với năm 2018.

Đáng chú ý, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao của Him Lam Land khiến cho giá trị định giá của doanh nghiệp này khá thấp. Cụ thể, năm 2019 Him Lam Land được định giá hơn 2.110 tỷ đồng, chỉ cao hơn so với quy mô vốn điều lệ là 1.700 tỷ đồng.

Kinh tế - Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…? (Hình 4).

Vừa qua, UBND TP. HCM vừa có văn bản hủy bỏ chủ trương thu hồi đất để đầu tư dự án khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an (dự án nhà ở xã hội) tại phường Cát Lái, Quận 2. Dự án được Bộ Công an đề xuất từ năm 2016, và chỉ định CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, cho tới đầu năm nay, dự án mới chỉ thực hiện được nội dung ban hành kế hoạch về thu hồi đất, kiểm tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Việc thỏa thuận các nội dung chi tiết giữa Him Lam Land và Bộ Công an vẫn chưa được triển khai.

Tháng 7/2020, thành viên của Him Lam Group đã thế chấp hơn 10 triệu cổ phiếu STB của Sacombank để đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của CTCP Thương mại Xây dựng Công Phúc (Công Phúc).

Nguyễn Thủy (TH)

Bạn đang đọc bài viết "Ai đứng đằng sau Him Lam Group và những mối liên hệ “kín” tiếp tay…?" tại chuyên mục TÁC PHẨM MỚI. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).