Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

24/10/2020 17:02

(Arttimes) - Bài hát “Quê nhà” của nhạc sỹ Trần Tiến với điệp khúc “À ơi hoa cải lên trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay…” từ khi ra đời đã để lại nhiều nhìn nhận khác nhau.

Không ít người cho rằng lời ca “Gió đưa cây cải về trời…..” kể về sự chia ly của đôi tình nhân; số đông lại coi đây là cuộc đời bạc mệnh của một thứ Phi dưới triều nhà Nguyễn. Văn học dân gian nước ta với nhiều thể loại và ca dao là phần không thể thiếu; đặc biệt, đằng sau mỗi lời ca đều ẩn chứa những câu truyện thú vị được người dân tin tưởng và truyền lại qua nhiều thế hệ. Theo sự tích dân gian thì câu ca này có xuất xứ từ vùng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Chuyện kể lại rằng: Vào thời vua Lê Hiển Tông (1740- 1786), nhà Lê đã đến kỳ mạt vận, giặc giã nổi lên khắp nơi. Ba anh em Nguyễn Huệ dấy quân tại vùng Bình Định (1775) thành lập nhà Tây Sơn, chiếm đóng đàng trong và đánh đuổi quan quân nhà Nguyễn. Nguyễn Ánh phải bỏ vào Nam, rồi chạy ra Côn Đảo (Pulau Condor). Ngày ấy, Chúa Nguyễn Ánh thất điên bát đảo, quân sĩ tan rã gần hết; thế cùng, lực tận Chúa định xin với giám mục Bá Đa Lộc (Pignau De Behaine) đem con trai Hội An, tên tục là Cải, làm con tin để xin viện binh đánh lại nhà Tây Sơn. Khi đó, mẹ của Hoàng tử Cải tên tục là Lê Thị Răm một người thiếp trung liệt bèn căn ngăn rằng: "Việc đánh nhau với Tây Sơn là việc trong nước, Chúa nên chiêu mộ quân lính đánh lại; chớ nên rước người ngoại quốc vào, sau này sẽ gây tai họa mà còn sẽ bị dân chúng mãi mãi chê cười!".

Âm nhạc  - Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay”

Bông cải

Chẳng những không nghe, Nguyễn Ánh còn nổi giận, cho bà Răm (Thứ  phi  Phi Yến) thông đồng với quân Tây Sơn, thét quân lính mang bà ra chém đầu. Các cận thần phải can xin mãi Chúa mới nguôi ngoai và sai giam bà vào hang đá trên hòn đảo hoang, chờ sau này dẹp xong Tây Sơn sẽ xét tội. Khi bị đem đi giam, bà Phi Yến chỉ đem theo ít lương khô, chỉ đủ ăn độ mươi ngày.

Lần theo lời ca và những truyền thuyết, chúng tôi đã tìm về Côn Đảo, đến nay được coi là nơi khởi nguồn của câu ca dao "Gió đưa cây cải về trời….". Côn Đảo không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp kỳ vĩ và những di tích lịch sử trong 2 cuộc chiến tranh cứu nước như: hệ thống nhà tù, nghĩa trang Hàng Dương, khu di tích và mộ chị Võ Thị Sáu... Ở đây còn có nhiều địa danh gắn liền với nhiều sự tích, truyền thuyết và những câu chuyện lịch sử được lưu truyền trong nhân gian mà mọi người không thể bỏ qua như An Sơn miếu nơi thờ bà Phi Yến từng là vợ vua Gia Long, đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Âm nhạc  - Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay” (Hình 2).

Toàn cảnh thị trấn Côn Đảo ngày nay

Tương truyền, vào cuối thu năm 1783, Nguyễn Ánh mang 100 gia đình thuộc hạ chạy ra Côn Đảo để tránh sự theo dõi của quân Tây Sơn. Cùng với dân chài đang sinh sống ở đây, Nguyễn Ánh lập nên 3 làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống.

Truyền thuyết dân gian có kể lại rằng, bà Phi Yến đã được 2 con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ. Từ những chứng tích hiện còn và qua lời người dân kể lại, chúng tôi được biết: Bà Phi Yến tên tục Răm, một phụ nữ tài sắc, yêu nước nhưng cuộc đời gánh chịu nhiều đau thương, oan trái. Địa danh nơi bà bị giam cầm là một động đá trên đảo Hòn Bà ngày nay.

Ít ngày sau, đại quân Tây Sơn kéo tới, Nguyễn Ánh phải mang gia quyến cùng tàn binh lên thuyền chạy ra Phú Quốc. Khi lên thuyền, hoàng tử Cải đòi ra hang đá, nhất định xuống thuyền ở lại với mẹ. Cho cho rằng Hoàng tử cũng là dòng phản phúc, theo mẹ thông đồng với giặc, Chúa liền ném xuống biển khơi.

Hoàng tử Cải mới 5 tuổi đã bị cha ném xuống biển chết chìm, hắc hổ một con vật trung thành với hoàng tử, khi thủy triều rút cạn mới thấy xác hoàng tử nằm yên trên một bãi san hô liền đưa vào bờ, móc lỗ vùi thi hài giữa khu rừng gần bãi Đần Trầu, dân làng Cỏ Ống ai cũng động lòng thương đã cùng nhau vun đất, đắp đá tôn cao ngôi mộ, rồi lập miếu để thờ.

Âm nhạc  - Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay” (Hình 3).

An Sơn Miếu Côn Đảo

Một đêm từ một cơ duyên huyền bí, hắc hổ gặp vượn trắng một con vật tinh khôn luôn rõi theo sát bà Răm, chúng cùng tìm đến hang đá lạnh rồi vượt suối, qua đèo đưa bà Răm về gần mộ hoàng tử. Đau xót trước tình cảnh của bà, dân làng Cỏ Ống đã cất một ngôi nhà gần mộ người con xấu số để bà được sớm hôm chăm sóc.

Trước cái chết của Hoàng tử Cải, bà Răm đã sống một cuộc đời đắng cay, cô quạnh, con chết, chồng bỏ, bà đã để lại những vần thơ, đời sau có chép lại là:

Đốt nén hương thề lạy hóa công,

Vì can mắc tội tiếng thông đồng.

Ngai vàng một thuở ngồi chưa vững,

Hang đá nghìn năm lệ nhỏ hồng.

Máu chảy ruột mềm đau phận thiếp,

Nồi da xáo thịt thỏa tình ông.

Sầu sông thảm núi hờn hoa cỏ

Con hỡi hồn con, chồng hỡi chồng!.

Âm nhạc  - Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay” (Hình 4).

An Sơn Miếu Côn Đảo nơi thờ thứ phi Phi Yến

Tháng 10 âm lịch năm 1785, làng An Hải tổ chức lễ hội làm chay tế lễ, họ đã rước bà Phi Yến đến cùng tham dự. Đêm hôm ấy, Biện Thi một tên đồ tể trong làng đã lẻn vào cấm phòng của bà dở trò sàm sỡ. Để giữ tròn danh tiết, ngay đêm hôm ấy bà Phi Yến đã tự vẫn. Khi bà mất, dân làng kể lại trời mưa to gió lớn, họ nghe vọng từ trên trời xuống tiếng hai mẹ con khóc than vì số phận đắng cay của mình. Đời sau, dân làng tin là hai mẹ con bà hiển thánh, thường hay cứu dân,độ thế nên đã lập đền thờ cả hai mẹ con trong vùng. Từ đó đến nay, hằng năm nhân dân côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ bà vào ngày 18 tháng 10 âm lịch.

TS LÊ THÀNH Ý

Bạn đang đọc bài viết "Về lời hát ru “Gió đưa cây cải về trời - rau răm ở lại chịu lời đắng cay”" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).