Truyện ngắn của Flannery O'Connor: Vì sao các dân nổi giận?

20/08/2020 20:49

"Trong nó không có sự ngây thơ, không có sự chính trực, không có cả ý thức về tội lỗi hay ý thức về việc được chọn lên thiên đàng. Gã trai mà bà đang thấy đây đón nhận cả cái thiện lẫn cái ác một cách không thiên vị...".

Ông Tilman bị một cơn đột quỵ ở thủ phủ bang nơi ông đi công tác và phải nằm viện ở đó mất hai tuần. Ông không nhớ được chuyện ông đi về nhà bằng xe cứu thương, nhưng vợ ông thì nhớ. Bà đã phải ngồi hai tiếng đồng hồ trên cái ghế phụ ở dưới chân ông, mắt nhìn chằm chằm vào khuôn mặt ông. Chỉ có mắt trái của ông, trẹo vào phía trong, là còn có vẻ chứa đựng cá tính trước kia của ông mà thôi. Nó rực lên vẻ cuồng nộ. Toàn bộ phần còn lại của khuôn mặt ông thì như đang chờ chết. Công lý thật khắc nghiệt và khi tìm thấy nó, bà cảm thấy sự mãn nguyện ở trong đó. Biết đâu cơn bĩ cực này sẽ thức tỉnh được thằng Walter.

Văn  - Truyện ngắn của Flannery O'Connor: Vì sao các dân nổi giận?

Palmer Hayden, "Không đề (người nằm mơ)", 1930. Ảnh: Culture Type

Thật tình cờ là cả hai đứa con đều ở nhà khi họ về đến nơi. Con Mary Maud đang lái xe từ trường về, nó không nhận ra chiếc xe cứu thương đi đằng sau. Nó ra khỏi xe - một phụ nữ có khổ người to lớn ở tuổi ba mươi với khuôn mặt trẻ thơ tròn trịa và mớ tóc màu cà rốt rủ xuống lòa xòa thành một tấm lưới vô hình trước trán - nó hôn mẹ nó, liếc nhìn ông Tilman và há hốc mồm ra vì kinh ngạc; rồi với vẻ mặt nghiêm khắc nhưng đầy bối rối, nó đi ra phía sau người khiêng cáng đằng sau và bằng cái giọng léo nhéo, nó chỉ đạo anh ta cách khiêng cáng đi vòng quanh khúc cua của bậc thềm trước nhà. Đúng y như một con mụ giáo viên, mẹ nó nghĩ bụng. Hành xử y như bọn giáo viên ở khắp mọi nơi. Khi người khiêng cáng đằng trước lên đến hiên nhà, con Mary Maud kêu lên bằng cái giọng the thé mà nó vẫn thường dùng để điều khiển bọn trẻ con: “Dậy đi nào, Walter, ra mở cửa đi!”.

Thằng Walter đang ngồi sát rìa ghế, chúi mũi vào đống tạp chí, ngón tay nó gập vào trong quyển sách nó đang đọc trước khi xe cứu thương tới. Nó đứng dậy, đi ra mở cửa ra vào và khi hai người kia khiêng cáng đi qua hiên, nó nhìn chằm chằm vào khuôn mặt bố nó, rõ ràng nó cảm thấy mê hoặc. “Rất vui vì bố đã trở về, thuyền trưởng thân mến ạ”, nó nói và giơ tay lên chào lấy lệ.

Con mắt trái đầy cuồng nộ của Tilman có vẻ như nhìn thấy nó, nhưng ông chả bộc lộ gì cho nó thấy rằng ông nhận ra nó cả.

Lão Roosevelt, người từ rày trở đi sẽ trở thành hộ lý chăm sóc thay vì làm người cắt cỏ, đứng chờ bên trong nhà. Lão mặc cái áo khoác màu trắng thường được mặc trong những dịp đặc biệt. Lão nhìn ra phía trước nơi có chiếc cáng. Những mạch máu trên mắt lão căng hết cả lên. Rồi, đột nhiên, những giọt nước mắt chảy mờ hết cả hai mắt và chảy lấp lánh trên đôi má đen sì của lão như những giọt mồ hôi. Ông Tilman dùng cánh tay còn khỏe của mình làm một cử chỉ vụng về yếu ớt. Đây là cử chỉ thân thương duy nhất ông dành cho một người trong số họ. Lão già da đen đi theo chiếc cáng vào giường ngủ phía sau, vừa đi vừa sụt sịt cứ như thể ai đó đã đánh lão vậy.

Con Mary Maud đi vào để chỉ đạo những người khiêng cáng.

Thằng Walter và mẹ nó vẫn còn ở ngoài hiên. “Đóng cửa lại đi - bà nói - Con đang để cho ruồi bay vào nhà đấy”.

Bà đã nhìn nó suốt từ nãy đến giờ, gắng tìm kiếm một dấu hiệu gì đó trên khuôn mặt vô hồn của nó, một dấu hiệu cho thấy rằng một cảm giác thúc bách đã chạm tới nó, một cảm giác mà giờ đây bắt đầu phát huy tác dụng với nó, một cảm giác thúc bách mà giờ đây nó phải làm một cái gì đó, cái gì cũng được - bà hẳn sẽ vui mừng khi thấy nó làm sai, thậm chí làm cho mọi thứ rối tinh rối mù lên, miễn là điều đó cho thấy rằng nó đang làm một cái gì đó - nhưng bà chả thấy gì xảy ra hết. Mắt nó vẫn nhìn bà, ánh lên chút lấp lánh sau cặp kính. Nó đã nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt ông Tilman, không sót một chi tiết nào; nó đã ghi nhận những giọt nước mắt của lão Roosevelt, vẻ bối rối của con Mary Maud, và giờ đây nó đang chăm chú nhìn bà để xem bà đón nhận việc này ra sao. Bà giật lại mũ cho thẳng, vì bà nhìn thấy qua mắt nó cái mũ đã bị ngả ra đằng sau đầu.

“Mẹ phải đội theo kiểu này chứ - nó nói - Đội như thế sẽ khiến người ta tưởng là mẹ trông có vẻ thoải mái đấy”.

Bà làm mặt gay gắt, gay gắt hết mức có thể. “Giờ thì trách nhiệm là của con đó” - bà nói bằng giọng dứt khoát và cay nghiệt.

Nó đứng đó cười nửa miệng và không nói gì. Giống như một cục thấm, bà nghĩ bụng, chỉ hút lấy tất cả, chả cho ra được cái gì hết. Cứ như thể bà đang nhìn một kẻ xa lạ có khuôn mặt của người trong nhà vậy. Nó có đúng cái điệu cười của bố và ông nội bà, đúng cái kiểu cười của bọn luật sư không muốn cam kết bất kỳ điều gì ấy, nụ cười hiện lên trên đúng cái kiểu quai hàm nặng trịch ấy, nằm ngay dưới đúng cái kiểu mũi La Mã ấy; mắt nó cũng y hệt như mắt hai người kia, chả ra xanh da trời, chả ra xanh lá cây mà cũng chả ra xám; cái đầu nó rồi cũng sẽ sớm hói giống như hai người kia thôi. Vẻ mặt bà thậm chí còn trở nên gay gắt hơn. “Con sẽ phải tiếp nhận và quản lý cơ ngơi này thôi - bà nói và khoanh tay lại - Nếu như con còn muốn ở đây”.

Nụ cười tắt ngấm trên miệng nó. Nó nhìn bà với vẻ gay gắt trong thoáng chốc, nét mặt nó trống rỗng, rồi nó lướt mắt qua chỗ bà nhìn ra cánh đồng, lướt mắt qua bốn cây sồi và hàng cây đen đúa phía đằng xa, nhìn vào trời chiều trống rỗng. “Con tưởng đây là nhà mình - nó nói - Nhưng con giả định sai mất rồi”.

Tim bà thắt lại. Ngay lập tức bà hình dung ra cảnh nó vô gia cư. Vô gia cư ở đây và vô gia cư ở khắp mọi nơi. “Tất nhiên đây là nhà con rồi - bà nói - Nhưng cũng phải có người tiếp quản chứ. Phải có người thúc ép bọn da đen làm việc chứ”.

“Con làm sao có thể thúc ép bọn da đen làm việc được cơ chứ - nó càu nhàu - Việc đấy con hoàn toàn không có khả năng”.

“Mẹ sẽ chỉ cho con mọi việc”, bà nói.

“Hà! - nó nói - Việc ấy mẹ sẽ làm mà”. Nó nhìn bà và nụ cười nửa miệng lại xuất hiện trở lại. “Mẹ này - nó nói - Mẹ là người có khả năng tự lực cánh sinh. Mẹ là người sinh ra để tiếp quản cơ ngơi này. Nếu bố mà bị đột quỵ cách đây mười năm thì nhà mình có khi còn khá khẩm hơn ấy chứ. Mẹ hẳn đã có thể chèo lái con tàu nhà mình vượt qua khó khăn. Mẹ có thể ngăn chặn bọn du thủ du thực. Mẹ là người cuối cùng của thế kỷ mười chín, mẹ là...”.

“Walter à - bà nói - Con là đàn ông. Mẹ chỉ là một người phụ nữ chân yếu tay mềm thôi”.

“Một người phụ nữ của thế hệ bọn mẹ - thằng Walter nói - lại chả hơn đứt một người đàn ông của thế hệ chúng con ấy chứ”.

Miệng bà chặt mím lại trong cơn oán hận, còn đầu bà run lên gần như không thể nhận biết được. “Mẹ mà phải nói ra câu ấy thì mẹ xấu hổ lắm!”, bà thầm thì. Thằng Walter gieo mình xuống cái ghế mà nó đã ngồi lúc trước và mở quyển sách ra. Vẻ uể oải bao trùm trên khuôn mặt nó. “Đức hạnh duy nhất của thế hệ chúng con - nó nói - chính là ở chỗ không cảm thấy xấu hổ khi nói ra sự thật về chính bản thân mình”. Rồi nó chúi mũi vào việc đọc sách. Cuộc trò chuyện đến đây là kết thúc.

Bà vẫn còn đứng đó, người đờ đẫn, mắt bà nhìn nó trong sự tởm lợm đến kinh ngạc. Con trai bà. Thằng con trai duy nhất của bà. Mắt nó, đầu nó, cả nụ cười của nó nữa đều mang dáng dấp của gia đình này, nhưng bên dưới chúng là một kiểu người khác mà bà chưa bao giờ từng biết đến. Trong nó không có sự ngây thơ, không có sự chính trực, không có cả ý thức về tội lỗi hay ý thức về việc được chọn lên thiên đàng. Gã trai mà bà đang thấy đây đón nhận cả cái thiện lẫn cái ác một cách không thiên vị, và nó nhìn thấy rất nhiều mặt của mọi vấn đề đến nỗi nó không thể nào làm việc được, thậm chí không thể nào thúc ép bọn mọi đen làm việc. Bất cứ loài quỷ dữ nào cũng có thể chui vào cái hư không đó. Có Chúa mới biết, bà thầm nghĩ và nghỉ lấy hơi, có Chúa mới biết nó có thể được làm gì!

Văn  - Truyện ngắn của Flannery O'Connor: Vì sao các dân nổi giận?  (Hình 2).

Những nô lệ da đen trên cánh đồng bông nước Mỹ (Minh họa của.pbs.org)

Nó chẳng làm gì cả. Giờ nó đã hai tám tuổi đầu rồi và theo như bà thấy thì chả có gì khiến nó bận tâm ngoài mấy cái chuyện vặt vãnh. Nó là cái kiểu người luôn chờ đợi một sự kiện lớn lao nào đó và không thể nào bắt tay vào bất cứ việc gì vì e rằng việc ấy sẽ bị gián đoạn mà thôi. Vì nó luôn trong tình trạng nhàn rỗi, nên bà đã từng nghĩ có khi nó muốn trở thành một nghệ sĩ hay một triết gia hoặc một cái gì đó, nhưng hóa ra không phải. Nó không muốn viết bất cứ cái gì mà lại dùng tên riêng cả. Nó tự tiêu khiển bằng cách viết thư cho những người mà nó không biết và viết cho mấy tờ báo. Nó dùng những cái tên khác nhau với những tính cách khác nhau để viết thư cho người xa lạ. Đấy là một thói xấu kỳ cục, đê tiện và nhỏ nhen. Bố và ông nội bà đều là những người có đạo đức, tuy rằng họ vẫn có những thói xấu nhỏ đáng khinh chứ không phải là những trò cực kỳ vô đạo đức đáng tởm. Họ biết họ là ai và những thứ mà họ cần phải có nghĩa vụ với bản thân. Còn với thằng Walter thì thật chẳng thể nào nói được là nó biết những gì, hoặc quan điểm của nó đối với bất cứ chuyện gì là như thế nào. Nó đọc những quyển sách chẳng liên quan gì đến bất kỳ vấn đề nào hiện nay. Bà thường theo dõi nó và phát hiện một đoạn nào đó được gạch chân trong cuốn sách nó bỏ lăn lóc đâu đó, sau đó bà phải mất nhiều ngày trời để đánh vật với cái đoạn ấy. Có một đoạn mà bà tìm thấy trong cuốn sách nó vứt lăn lóc trên sàn nhà tắm tầng trên, cái đoạn ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu bà rằng có một điều tiên báo sắp xảy ra.

“Tình yêu cần phải tràn đầy giận dữ”, đoạn ấy bắt đầu như vậy và bà nghĩ bụng, à thì tình yêu của mình đúng là như vậy mà. Bà lúc nào chả giận dữ. Nó tiếp tục: “Bởi vì ngươi đã chối bỏ yêu cầu của ta, nên có lẽ ngươi sẽ chịu nghe những lời quở trách. Ngươi có việc gì trong nhà của cha ngươi, hỡi người lính ẻo lả nhu nhược kia? Đâu rồi những thành lũy và hầm hào của ngươi, đâu rồi mùa đông nơi tiền tuyến? Hãy nghe đây! Tiếng kèn xung trận đang rúc lên từ trời cao và hãy xem vị Thiên Tướng của chúng ta bước đi đầy đủ khí giáp, đến từ giữa những đám mây để chinh phạt toàn bộ thế giới này. Từ miệng Thiên Chúa của chúng ta xuất hiện một thanh kiếm hai lưỡi cắt vụn tất cả mọi thứ trên đường đi. Hãy thức dậy hoàn toàn khỏi giấc ngủ trưa của nhà ngươi đi, hãy đi ra chiến trường đi! Hãy từ bỏ bóng râm và tìm kiếm mặt trời đi!”.

Bà giở lại quyển sách để xem mình đang đọc cái gì. Đó là một bức thư của Thánh Jerome (2) gửi cho một người tên là Heliodorus (3), quở trách ông ta vì đã rời bỏ nơi hoang địa. Phần chú thích ở dưới trang sách nói rằng Heliodorus là một trong những người nổi tiếng đi theo Thánh Jerome ở xứ Aquileia vào năm 370. Ông đã hộ tống Thánh Jerome tới vùng Cận Đông với ý định chuyên tâm vào một đời sống ẩn dật. Họ chia tay nhau khi Heliodorus tiếp tục đi tới Jerusalem. Cuối cùng ông quay lại Ý, và những năm sau đó ông trở thành một giáo sĩ lẫy lừng, được biết đến với tư cách là giám mục xứ Altinum. Đây chính là cái loại sách nó đọc - chả có ý nghĩa gì trong thời đại ngày nay. Rồi một ý nghĩ chợt nảy đến với bà, với một chút choáng váng đầy khó chịu và thất vọng, rằng vị Thiên Tướng có lưỡi gươm ở miệng, chân bước đi thực hiện những hành động bạo lực, chính là Chúa Jesus. 

Nguyễn Nguyên Phước (dịch)

(1): Nhan đề của truyện ngắn này được trích từ câu trong Kinh Thánh, sách Công vụ các sứ đồ (Acts) 4:25 cũng như trong sách Thi thiên (Psalms) 2:1: “Vì sao các dân nổi giận? Vì sao các nước lập mưu vô ích?”. Ý câu này trong Kinh Thánh là Thiên Chúa muốn hỏi tại sao dân ngoại đạo lại nổi giận, lập mưu chống lại Chúa và Đấng Cứu Thế mặc dù việc ấy là vô vọng.

(2): Thánh Jerome (347-420) là linh mục Cơ Đốc giáo, nhà thần học, nhà sử học và được phong là tiến sĩ Hội Thánh. Ông là người đầu tiên dịch Kinh Thánh ra 
tiếng Latin.

(3): Heliodorus (còn gọi là Thánh Heliodorus hay Heliodorus xứ Altinum) sống vào khoảng thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Ông có thời gian hộ tống Thánh Jerome trên hành trình của ngài tới đất Thánh. Sau này ông trở thành giám mục đầu tiên của xứ Altinum (còn có tên khác là xứ Altino).

Bạn đang đọc bài viết "Truyện ngắn của Flannery O'Connor: Vì sao các dân nổi giận? " tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).