Tình người ở thung lũng cô đơn

16/09/2020 12:41

Tháng 5. Ngày đứng gió. Nắng hầm hập. Người đàn bà, trong bộ dạng không thể thất thểu hơn, cứ lung tung khắp nhà, miệng nhẩm những điều không ai đoán được. Tóc xuề xòa, dáo dác đôi mắt, như lo sợ điều gì ập đến, cơ hồ ngập ngụa hoảng loạn.

Xã hội  - Tình <a href=người ở thung lũng cô đơn" src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/09/161g.jpg" width="450" height="253" />
Xã hội  - Tình <a href=người ở thung lũng cô đơn (Hình 2)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/09/162g.jpg" width="450" height="164.3652561247216" />

Bà tên Phạm Thì Sòng, 62 tuổi, ở xóm Lẫm, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Bà bị điên, không thường trực, từ những khối đau đọa xuống bởi chiến tranh, và từ mảnh tình rách toan sắp kịp đường chỉ vá víu.

Người xóm Lẫm chưa bao giờ dùng từ “điên” sau tên của bà, mà họ cũng chẳng gọi tên của bà. Lớp cháu thì gọi cô Bốn, lứa em út thì gọi chị Bốn, ngang hàng hoặc lớn hơn thì gọi con Bốn, kiểu chân chất ở thôn quê. Xóm Lẫm quạnh quẻ đến mức, người ta gọi đây là thung lũng cô đơn. Nguyên nhân, một phần bởi vùng đất này đất cằn khó khăn, nên nhiều người phải tha phương cầu thực. Riêng với bà Sòng, hẳn là những lúc tỉnh người, bà thấy ấm lòng lắm. Cũng phải thôi, bởi ngót gần 20 năm qua, bà sống trong sự thương yêu, đùm bọc của người dân xóm Lẫm. Kể cả trong lúc bà lên cơn điên loạn, người xóm Lẫm vẫn không bỏ mặc bà, mà thấy thương bà nhiều hơn.

Xã hội  - Tình <a href=người ở thung lũng cô đơn (Hình 3)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/09/163g.jpg" width="450" height="306" />

Hôm ấy, trong giỏ chợ của mình, chị Phan Thị Sen mua thêm và nhiều thức ăn hơn mọi ngày, vì có thêm phần ăn của cô Bốn - theo cách gọi của chị Sen. Thì nói vậy, chớ bữa ăn của người quê vốn dĩ bình dị. Còn với người xóm Lẫm, trong cái chu kỳ 17 ngày một lần, bữa chợ của họ “hoành tráng” hơn. Là hôm ấy, họ nấu cơm cho bà Sòng. Mà cái chu kỳ này, “chạy” ngót nghét cũng gần 20 năm trời rồi. Đều đặn hơn cả đồng hồ! Nhưng chị Sen bảo, hôm nay chưa đến phiên chị, vì hàng xóm vướng chuyện gia đình, nên chị thế. Về làm dâu xóm Lẫm hơn 6 năm, là từng ấy năm cùng hàng xóm lo cơm nước cho bà Sòng. Chị bảo, ngày về làm dâu, mẹ chồng dặn, làm người, phải biết thương yêu nhau, dìu dắt nhau qua gian khó. Bởi đời người, chẳng ai muốn khổ đau. Buổi bếp hôm ấy, chị Sen nêm nếm bằng tất cả gia vị yêu thương.

Tôi nhớ lời ông trưởng thôn Ngô Quang Vinh, rằng cái xóm này có 22 nóc nhà, có 5 nóc nhà thuộc diện vô cùng khó khăn. Nên cái việc chăm sóc và cơm nước cho bà Sòng, 17 hộ còn lại chia nhau. Thì nói vậy, chứ họ làm từ thẳm sâu ý thức, xuất phát từ thương yêu. Chả ai tiếng to tiếng nhỏ. Đến phiên là lo cơm nước. Gia đình vướng chuyện, ới tiếng, hàng xóm thay, bữa sau bù. “Mà đâu phải ngày một ngày hai, gần 20 năm rồi chớ ít gì. Chị Bốn tội lắm!” - ông Vinh dứt đoạn như thế. Rồi ngoái cổ nhìn qua mấy nhánh sầu đâu trơ lá.

Nhưng bây giờ, tôi chăm chú nhìn chị Sen cần mẫn đơm cơm vào cà-mèn. Xong, chị… “tự thú”: “Hồi trước em vẫn hay một mình mang cơm cho cô Bốn, một lần cô trở bệnh, lên cơn điên loạn và đánh em. Từ đó em sợ, không dám đi một mình nữa, phải đợi chồng em về để đi cùng”. Tôi máy móc: “Sợ sao chị vẫn nấu cơm, có trách bà Sòng không?”. Chị cười, thủng thẳng, nhưng chứa đầy yêu thương: “Sợ thì sợ, nhưng không thể bỏ đói cô Bốn được. Vả lại có chồng đi cùng, em yên tâm hẳn. Mà làm sao trách cô Bốn được, khi những phút giây cô Bốn điên loạn là lúc cô bị bệnh tật giày vò nhất, và ai cũng thấy thêm thương cô”. Gần trưa, chồng chị Sen là anh Châu Thành Lịnh đi làm về. Hai vợ chồng đèo nhau, thêm cậu con trai đầu, mang cơm đến cho bà Sòng.

Xã hội  - Tình <a href=người ở thung lũng cô đơn (Hình 4)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/09/164g.jpg" width="450" height="450" />

Hôm ấy, bà Sòng chỉ ăn một chén cơm và một ít thức ăn. Anh Lịnh bảo, như thế là mừng rồi. Vì thường cô Bốn, chỉ và mấy đũa, rồi bỏ đó, không ăn nữa. Biết thế, nhưng sợ bà Sòng còn đói, và sợ bà Sòng bỏ cơm canh đó, gà chó vào tranh mất nên vợ chồng anh Lịnh ráng ở lại, dỗ dành bà Sòng ăn thêm được tí nữa. Rồi mới về. Lát sau, ông Vinh trưởng thôn đến, coi chị Bốn ăn uống ra sao. Ông ráng “năn nỉ”, bà Sòng ăn thêm miếng cơm nữa. Rồi ông Vinh dọn dẹp. Trong lúc đó, tôi có dịp quan sát căn nhà. Nó đã rệu rã và chả có thứ gì tạm gọi là có chút giá trị.

Dọn dẹp xong, sau cái nháy mắt như bảo rằng để bà Sòng yên giấc, bên bụi cỏ nhà bà Sòng, ông Vinh ngược thời gian về gần 20 năm trước. Mà phải trước đó nữa, cái hồi chiến tranh, gia đình loạn lạc, bà Sòng vừa mất, vừa thất lạc anh, chị và mẹ. Súng đạn yên ắng. Bà đúng tuổi yêu đương. Xúng xính má hồng. Ước mơ vẽ một bầu trời hy vọng, mong sẽ xóa những nỗi đau đã qua.Nhưng trước ngày cưới chẳng bao lâu, người yêu của bà bị tai nạn, không qua khỏi. Quặn thắt những cơn đau. Bà cố gắng gượng để bước tiếp cuộc đời. Mà đời cay nghiệt quá, cái thân cò mong manh ấy bị giáng thêm niềm đau nữa, khi cha bà vĩnh viễn cõi thật không lâu sau đó. Tất cả nỗi đau đời người, đổ ập xuống phận thiếu nữ. Quỵ ngã, thần kinh bà trở nên bấn loạn. Coi như hết thì. Mà đời bà, có được bao nhiêu yên vui?

Xã hội  - Tình <a href=người ở thung lũng cô đơn (Hình 5)." src="/uploads/media/tran-minh-tuan/2020/09/16g.jpg" width="450" height="501" />

Trước khi về, qua cái lỗ gạch, tôi thấy bà Sòng đang say giấc. Có lẽ, đó là lúc thân bà yên bình nhất. Tôi không chắc, rằng bà Sòng cảm nhận được tình thương từ hàng xóm. Nhưng sự thật là, ở cái thung lũng cô đơn này, tình người đã xua tan sự quạnh quẻ. Và ít ra, tình thương ấy, sẽ dìu bà đi hết kiếp người đau khổ.

Theo Ngày Nay

Bạn đang đọc bài viết "Tình người ở thung lũng cô đơn" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).