Thạch lam và cái ấm áp trong Gió lạnh đầu mùa

10/10/2020 14:19

(VHNT) - "Gió lạnh đầu mùa" - Câu chuyện mở đầu bằng cái lạnh rét mướt và kết thúc trong hơi ấm tình người. Dẫu biết rằng với năm hào đó cũng không thể giúp mẹ con Hiên vượt qua cái nghèo, cái lạnh mùa đông, song nó vẫn ánh lên nghĩa tình “Miếng khi đói bằng gói khi no”. Đó là triết lý mà Thạch Lam muốn xây dựng.

 

Văn  - Thạch lam và cái ấm áp trong Gió lạnh đầu mùa

Thạch Lam

Thạch Lam sinh ngày 07.07.1910, mất ngày 28.06.1942, tên thật Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân, là cây bút viết truyện ngắn xuất sắc của dòng văn học Việt Nam 1930 -1945. Trong suốt cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, nhà văn đã lặng lẽ cống hiến cho văn học những tác phẩm đặc sắc như Gió lạnh đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Theo dòng (1941), Sợi tóc (1942), Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Hiện hữu trong trang viết của ông là những kiếp đời bất hạnh tận đáy xã hội với niềm cảm thông sâu sắc qua những tác phẩm bàng bạc chất thơ, là sự kết hợp hài hoà dòng cảm xúc lãng mạn và hiện thực đã vẽ nên một bức tranh sinh động về những số phận hèn mọn trong cõi nhân sinh mà chan chứa nghĩa tình.

Truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" có cốt truyện đơn giản nói về chuyện cho áo, trả áo rét giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ nơi phố huyện nghèo. Nhưng cái sau sắc trong đó là mượn cái lạnh để nói về tình người chất chứa trong tác phẩm.

Văn  - Thạch lam và cái ấm áp trong Gió lạnh đầu mùa (Hình 2).

Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa

Trong tác phẩm Gió lạnh đầu mùa nhà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển đổi mùa từ cuối thu sang đầu đông bằng những từ ngữ cô đọng, vừa tượng thanh, vừa tượng hình vừa khơi gợi cảm xúc: “cái nắng tháng mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi …”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo…”. Cái lạnh đó là cái cớ để mọi người trong nhà thu mình vào thế giới nội tâm se thắt.

Thạch Lam đã khéo quan sát tinh tường, chọn những chi tiết hết sức tiêu biểu từ màu sắc, âm thanh đến sự chuyển động của cảnh chuyển mùa trong cái lạnh đầu đông để hoài niệm. Cái lạnh đó là lý do để chị Lan khệ nệ ôm cái thúng quần áo cũ để hơi mốc của vải gấp lâu ngày như hơi thở của quá khứ phả vào hiện tại, chiếm lĩnh lấy tiềm thức con người một nỗi buồn mơ hồ xa xăm đang dần dần hiện về mang theo hình dáng của Duyên, đứa em gái đã mất, làm người vú già ngậm ngùi “lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ” trên cái áo bông đã cũ của Duyên; Sơn cảm động và thương em quá, còn mẹ Sơn chỉ yên lặng rơm rớm nước mắt. Cơn gió lạnh đã lật lại một kỷ niệm buồn để se thắt lại nỗi nhớ riêng của từng người trong gia đình. 

Văn  - Thạch lam và cái ấm áp trong Gió lạnh đầu mùa (Hình 3).

Những chiếc lá cuối thu

Phần cuối truyện mở ra một tình huống mới: trả áo và cho vay tiền mua áo. Mẹ cái Hiên đã đem cái áo bông đến trả cho bà mẹ của chị em Sơn và nói: "Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tới hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ…".

Mẹ cái Hiên tuy nghèo đói mà sạch và thơm. Đối với mẹ của Sơn thì cái áo bông cũ là di vật thiêng liêng của đứa con gái bé bỏng tội nghiệp đã mất khi lên 4 tuổi. Cử chỉ mẹ của Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào bạc để mua áo rét cho con là nghĩa cử "Thương người như thể thương thân". Người mẹ hiền "âu yếm ôm con vào lòng" và bảo: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?" làm cho câu chuyện thêm ý vị. Mẹ hiền dạy con bài học biết cách thương người.

Thanh Tài (TH)

Bạn đang đọc bài viết "Thạch lam và cái ấm áp trong Gió lạnh đầu mùa" tại chuyên mục THƠ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).