Tuyên Quang: Góp phần đưa “Then” vinh danh Di sản văn hóa nhân loại

(Arttimes) - Ngày 13/12/2019, tại Bogotá (Colombia), diễn ra Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO vinh danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để tìm hiểu rõ hơn về giá trị Di sản Then, phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện với nhà nghiên cứu, nghệ nhân Ma Văn Đức (phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang), nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa, Chủ tịch UBND huyện Nà Hang (Tuyên Quang). Ông tiếp chúng tôi tại căn nhà riêng đơn sơ khiêm tốn, phòng khách trống trơn ngoài một bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ là nơi ngồi uống nước, một chiếc tivi cho cả nhà xem tin tức, giải trí hàng ngày, tất cả chỉ có vậy. Có lẽ gia tài lớn nhất, quý giá nhất của nghệ nhân là kho tài liệu Then cổ đồ sộ mà cả đời ông đã tâm huyết dày công sưu tầm, biên dịch, lưu giữ cho thế hệ mai sau. Sau một tuần trà quý mời khách, ông vui vẻ nhận lời chia sẻ.

PV: Xin ông cho biết, Then của các dân tộc Tày, Thái, Nùng ở Việt Nam có những gì đặc sắc, tiêu biểu để được UNESCO vinh danh “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”?

Nghệ nhân Ma Văn Đức: Then là loại hình nghệ thuật dân ca nghi lễ tín ngưỡng, là một bộ môn khoa học tổng hợp vì trong Then có thơ, hát múa, nhạc họa, có các câu chuyện cổ tích. Then có ở các dân tộc Tày, Thái, Nùng của Việt Nam, 11 tỉnh phía bắc có đồng bào Tày, Thái, Nùng. Ở đâu Có Tày, Thái, Nùng là ở đó có Then, nghi lễ Then, nghi lễ này có một giá trị nghệ thuật rất cao, rất nhân văn và đều hướng đến cuộc sống con người. Người xưa giải thích về mối quan hệ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, vạn vật cũng như bày tỏ khát vọng về chỗ dựa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh) để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thời bấy giờ khi chưa có khoa học làm nền tảng.

Gần như tất cả các sự việc hiện tượng đều được phản ánh, diễn đạt trong Then, chính đặc tính riêng có này càng khẳng định Then là loại hình nghệ thuật đặc sắc, phong phú bậc nhất. Then chứa đựng nhiều nội dung: thứ nhất, tính nhân văn rất cao; thứ hai, phản ánh khả năng sáng tạo tuyệt vời về đời sống văn hóa tinh thần của các cụ xưa; thứ ba, thể hiện tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vạn vật cỏ cây, tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc...

UNESCO vinh danh dựa trên những minh chứng rõ nét, cụ thể, Then là di sản trí tuệ được con người cổ xưa sáng tạo ra, phản ánh phong tục tập quán, đời sống tinh thần phong phú giàu chất nhân văn của con người - thế giới - vũ trụ, hàm chứa tính nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc, đặc trưng riêng có của đồng bào Tày, Thái, Nùng ở Việt Nam. Then thể hiện tính cộng đồng, bác ái, tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Theo kế hoạch, ngày 25/9/2020 UBND tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức Lễ đón nhận vinh danh Then là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”do tổ chức UNESCO trao tặng cùng Lễ hội Tết trung thu tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (Tp Tuyên Quang). Tuy nhiên sự kiện vẫn đang được hoãn lại do dịch Covid-19 tôi cũng rất tiếc nhưng là cần thiết vì sự an toàn của người dân là trên hết.

Âm nhạc  - Tuyên Quang: Góp phần đưa “Then” vinh danh Di sản văn hóa nhân loại

Nghệ nhân Ma Văn Đức bên tác phẩm ông đã dày công sưu tầm, biên soạn

PV: Cả một chặng đường dài gian nan đi tìm các nghệ nhân già sưu tầm Then, biên dịch sang tiếng kinh, làm phim tư liệu, đóng góp xây dựng hồ sơ đưa nghệ thuật Then lên tầm cao là di sản của nhân loại, mong ông chia sẻ về những trải nghiệm thực tế?

Nghệ nhân Ma Văn Đức: Là người con của dân tộc Tày, tuổi thơ tôi thường đi xem thâu đêm các ông then đàn hát mỗi khi thôn, bản có đám cúng lễ, có lẽ vì thế lời then cùng giai điệu then đã ngấm chặt vào tôi từ đó. Cuối năm 2002, Sở VH-TT Tuyên Quang thực hiện đề tài khoa học “Then Tày Tuyên Quang” trong đó có chuyên đề điều tra, thống kê số nghệ nhân then cổ thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng. Kết quả danh sách nghệ nhân thống kê được chủ yếu ở hai huyện Chiêm Hóa và Nà Hang nơi có đông người Tày cư trú, họ đều đã cao tuổi. Hiểu được giá trị vô cùng quý báu của loại hình nghệ thuật cổ xưa này nếu không khẩn trương tiếp xúc tìm hiểu, sưu tầm thì chắc chẳng còn cơ hội nào nữa. Thật may tôi còn được tiếp xúc với các then Ma Văn Tăng xã Tân An; Hà Ngọc Vịnh, Hà Ngọc Cao, Hà Phúc Sông xã Xuân Quang; Ma Văn Thái xã Hùng Mỹ; Ma Thanh Cao xã Tri Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang). Gặp được các nghệ nhân ấy tôi như nhặt được vàng, ngồi bên bếp lửa nhà sàn có cụ thức cả đêm kể về các câu truyện cổ trong các cung then, đàn hát cho tôi nghe những khúc hát then sâu nặng, đằm thắm, quyến rũ. Những chuyến đi điền dã như thế thật ấn tượng khó phai, giờ đây trong số đó nhiều cụ đã khuất. Có lần trong chuyến ghi hình, Then trẻ Hoàng Văn Sơn thức tận năm giờ sáng, khi đó bản Nhùng, xã Năng Khả (Nà Hang) chưa có điện lưới, gia đình ông anh của then Sơn đã cho dâng nước đầy bốn cái ao để chạy máy phát điện mini, một bóng điện sáng choang cả nhà xé tan màn đêm tĩnh mịch một góc bản xa xôi, then Sơn say sưa hát để chúng tôi ghi âm, đến lúc cả bốn ao nước đều cạn trơ đáy, cá lớn thiếu nước chỉ vùng vẫy không thể bơi, đàn gà đã ra khỏi chuồng, cái đêm đầy ký ức đó làm sao có thể quên. Sau nhiều năm đi thực tế, tiếp xúc với các nghệ nhân, chúng tôi đã có nhiều cuốn sách then cổ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, trong đó có bốn bộ (tứ bách): bách Cốc, bách Thú, bách Hoa và bách Điểu đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam in và xuất bản.

Tôi là người viết nội dung kịch bản cho bộ phim ca nhạc “Then Tày Tuyên Quang”. Sau đó, Trung Tâm nghe nhìn Đài PTTH Hà Nội đưa phim này tham gia Liên hoan phim toàn quốc tại Tp Hồ Chí Minh (12/2002) với tên phim “Cầu thời gian” và đạt giải huy chương vàng. Hồ sơ về Then của Tuyên Quang trình Bộ Văn hóa được đánh giá rất cao, đầy đủ nhất, đáp ứng được nhiều tiêu trí về di sản văn hóa và được sử dụng rất nhiều trong tài liệu Chính phủ trình tổ chức UNESCO.

Âm nhạc  - Tuyên Quang: Góp phần đưa “Then” vinh danh Di sản văn hóa nhân loại (Hình 2).

Thực hành hát Then

PV: Thưa ông, để bảo vệ, gìn giữ và phát triển Di sản văn hóa Then đặc sắc của nhân loại chúng ta cần phải có những việc làm cụ thể như thế nào?

Nghệ nhân Ma Văn Đức: Giá trị to lớn của một Di sản văn hóa nhân loại đã được khẳng định, 11 tỉnh có Then phải có trách nhiệm bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Di sản Then, phải đưa Then trở thành món ăn tinh thần của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói riêng, sử dụng Then hiệu quả trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế du lịch ở các tỉnh miền núi phía bắc và trên cả nước. Hội nhập giao lưu văn hóa với thế giới là cơ hội để quảng bá và lan tỏa nghệ thuật Then đến khắp các dân tộc trên toàn thế giới. Các cấp các ngành, những nhà quản lý, mọi người phải nhận thức Then có tính giá trị rất cao, rất sâu sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhất là các đồng bào dân tộc Tày, Thái, Nùng. Then là Di sản của cả nhân loại nên cần phải rất trân quý gìn giữ, bảo tồn và chung tay phát triển. Then nên được biên soạn thành giáo trình phù hợp để đưa vào trường học phổ thông, sâu hơn là các trường Văn hóa nghệ thuật. Chú trọng giàn dựng nhiều tiết mục Then đặc sắc cho các đoàn nghệ thuật quần chúng tại các tỉnh thành trong cả nước biểu diễn, tuyên truyền lan tỏa Di sản Then; định kỳ tổ chức liên hoan nghệ thuật Then tại nhiều khu vực trên cả nước để Then là món ăn tinh thần in đậm vào tâm trí mỗi người, là hồn cốt trường tồn cùng các dân tộc trên thế giới.

PV: Xin cảm ơn nghệ nhân đã dành thời gian chia sẻ.

XUÂN TRƯỜNG (thực hiện)

Link nội dung: http://cms.webnew.tech/tuyen-quang-gop-phan-dua-then-vinh-danh-di-san-van-hoa-nhan-loai-a4061.html