Bé 7 tháng tuổi bị bỏng vì chạm vào bình ủ sữa

(Arttimes) - Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bé Lục Nguyễn Thành Khôi (7 tháng tuổi) bị bỏng nước sôi tại tay trái và 2 chân, liên tục gào khóc. Được biết, khi bò chơi quanh nhà, bé vô tình chạm vào bình ủ sữa trên sàn dẫn đến bỏng nặng.

Trước đó, mẹ của bé chia sẻ chị đặt bình ủ sữa dưới sàn nhà và chạy vào bếp. Lúc này, bé Khôi bò chơi quanh nhà vô tình chạm vào gây bỏng. Sau khi phát hiện, người phụ nữ này đã bôi kem đánh răng vào vết bỏng và nhanh chóng đưa con tới bệnh viện.

Y tế - Bé 7 tháng tuổi bị bỏng vì chạm vào bình ủ sữa

Bé Khôi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chẩn đoán bé Khôi bị bỏng 5% độ II, III và gấp rút dùng thuốc xịt bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh, thay băng tại chỗ hàng ngày cho bệnh nhân. May mắn, bé Khôi hồi phục tốt và được cho ra viện sau 4 tuần điều trị.

Các bác sĩ cho biết lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là từ 2 đến 5 tuổi. Nguyên nhân là trẻ hiếu động, tò mò và muốn khám phá nhưng chưa ý thức được sự nguy hiểm xung quanh.

Một số tác nhân gây bỏng thường gặp ở trẻ em là nước sôi, dầu mỡ nóng, lửa, điện hoặc hóa chất. Tổn thương do bỏng cũng rất đa dạng. Vết bỏng ở vị trí cánh, cẳng tay, đặc biệt là bàn tay ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, vết bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng có thể tác động tới thẩm mỹ và khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo khi phát hiện bỏng nước sôi ở trẻ em, người nhà nên nhanh chóng đặt vết bỏng dưới vòi nước hoặc trong chậu nước lạnh, sạch. Mục đích của hành động này là hạ nhiệt độ bỏng, giảm đau, phù nề, viêm nhiễm cũng như độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không dùng kem đánh răng, lòng đỏ trứng bôi lên vết bỏng hay ngâm vùng bỏng trong nước đá lạnh để làm mát. Việc này có thể gây tổn thương da nghiêm trọng hơn. Nếu có thuốc xịt bỏng, gia đình nên nhanh chóng xịt cho trẻ và đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí và đánh giá mức độ tổn thương.

Người dân cần dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng và che phủ vết bỏng để tránh ảnh hưởng xấu trong quá trình di chuyển bệnh nhân. Lưu ý không băng quá chặt làm tổn thương vết bỏng.

Ngoài ra, nếu vết bỏng lớn, phụ huynh không nên cởi bỏ quần áo của trẻ khiến da tại vùng bỏng bị lột. Thay vào đó, chúng ta cần nhanh chóng dùng kéo cắt vải tách khỏi vết thương, tránh để quần áo dính chặt vào vùng bỏng, gây đau rát, viêm nhiễm.

PV

 

Link nội dung: http://cms.webnew.tech/be-7-thang-tuoi-bi-bong-vi-cham-vao-binh-u-sua-a3840.html