Tránh nguy cơ lãng phí tài năng các trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật

Thông thường, mùa tuyển sinh của các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật sẽ bắt đầu vào tháng 2 và kéo dài đến tháng 7, 8 nhưng tại thời điểm này, đã gần hết quý 3-2020, công tác tuyển sinh mới vẫn chưa được bắt đầu. Không chỉ các thầy cô giáo mà nhiều phụ huynh đều như đang ngồi trên đống lửa.

Nguyên nhân của việc dừng đột ngột kế hoạch tuyển sinh năng khiếu được cho là do Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Theo đó, các trường đại học, học viện chỉ được đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Ba trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng sẽ do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB-XH phụ trách. Việc chỉ được phép đào tạo thí sinh có trình độ đại học trở lên với các trường nghệ thuật tại thời điểm này thực sự gây xáo trộn lớn.

Theo phân tích của các chuyên gia đã nhiều năm gắn bó với các trường nghệ thuật thì đào tạo năng khiếu nghệ thuật khác với đào tạo một lĩnh vực ngành nghề thông thường của xã hội.

Đào tạo nghệ thuật là một chặng đường rất dài, việc phát hiện năng khiếu cá nhân thường là từ khi còn nhỏ, do đó thời gian đào tạo của học sinh nghệ thuật cũng vì thế mà kéo rất dài, có thể lên tới 9 năm. Cụ thể với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hệ trung cấp đào tạo năng khiếu kéo dài 6-9 năm, còn để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần phải đào tạo liên tục 13 năm đào tạo từ trung cấp.

Rất hiếm mới có trường hợp một học sinh học xong lớp 12 mới thi vào học viện để học đàn, học hát... theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Tương tự, việc đào tạo diễn viên múa còn đòi hỏi nhiều tiêu chí khắc nghiệt hơn bởi việc luyện tập phải bắt đầu từ khi các em ở độ tuổi 6-10 tuổi, tương đương với việc đào tạo bậc sơ cấp, trung cấp, rồi đến trung cấp chuyên nghiệp, lên cao đẳng, đại học. Chẳng có ai lại tuyển sinh và đào tạo diễn viên múa khi 18 tuổi bởi lúc đó cấu tạo cơ thể không còn phù hợp.

Để theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, các bạn nhỏ không chỉ cần năng khiếu mà còn phải theo đuổi quá trình khổ luyện liên tục để không bị đào thải trước khi tự tin bước ra làm nghề. Cũng bởi thế, nếu “cào bằng” hệ trung cấp của các trường nghệ thuật với hệ đào tạo trung cấp dạy nghề khác chỉ kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm thì quả là hơi khập khiễng.

Chưa kể đến phương thức đào tạo nghệ thuật cũng rất đặc thù, ví dụ như đào tạo âm nhạc hình thức dạy một thầy một trò, thậm chí 2 thầy với một trò. Các thầy phải tự soạn giáo trình riêng cho từng em, tùy thuộc vào năng lực, tài năng của các em… Bởi thế với nhiều trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật mô hình đào tạo bậc trung cấp như một khâu, một quy trình đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong trường đại học.

Ở Việt Nam, 60 năm qua cách thức đào tạo này cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực với hàng trăm giải thưởng danh giá mà các nghệ sĩ đã đem về. Nhiều tài năng âm nhạc của Việt Nam như NSND Đặng Thái Sơn, NSƯT Bùi Công Duy… cũng đều được đào tạo từ nhỏ mới có thể trở thành những nghệ sĩ mà cả thế giới công nhận.

Trên thế giới, việc đào tạo thí sinh nguồn khi còn nhỏ từ trung cấp đến đại học trong một cơ sở đào tạo là mô hình được nhiều quốc gia có nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Australia… duy trì.

Sẽ là không nói quá khi lãnh đạo của Học viện múa cho rằng, nếu không được đào tạo hệ trung cấp múa thì có nguy cơ phải xóa sổ trường đầu ngành cung cấp diễn viên múa bởi lẽ lâu nay, hệ trung cấp múa chính là lực lượng nguồn, cung cấp tới 70% thậm chí tới 90% số thí sinh đào tạo ở cấp bậc đại học.

Các trường trung cấp, cao đẳng văn hóa nghệ thuật ở các địa phương hiện có chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ học sinh đáp ứng được tiêu chí tuyển đầu vào của học viện. Hơn thế, việc thay đổi trong thời điểm chưa xây dựng được một mô hình đào tạo nghệ thuật mới phù hợp còn được cho là sẽ gây lãng phí.

Cụ thể là gây lãng phí kiến thức, kinh nghiệm của những người thầy không có trò để dạy, lãng phí tài năng của những bạn trẻ không nhận được sự đào tạo bài bản từ sớm để năng khiếu bị hao mòn, thui chột.

Sau khi nhiều trường nghệ thuật lên tiếng, Bộ VH-TT-DL đã gấp rút hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị cho phép các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật được tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong năm nay. Cùng đó, Bộ cũng đề xuất xin cơ chế cho các trường tiếp tục duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến đại học như hơn 60 năm qua đã thực hiện.

Tại thời điểm này, khi mà mùa tuyển sinh đã gần đi qua mới đề xuất để xin cơ chế, chính sách đặc thù rõ ràng là giải pháp mang tính tình thế. Song về lâu dài, các trường cũng như các cơ quan làm chính sách cần phải cùng ngồi lại để có những kiến nghị, đề xuất nhằm đưa ra những sửa đổi phù hợp trong đào tạo năng khiếu nghệ thuật để tránh không phải đối mặt với nguy cơ “lãng phí” tài năng.

Nguồn SGGP

Link nội dung: http://cms.webnew.tech/tranh-nguy-co-lang-phi-tai-nang-cac-truong-dao-tao-van-hoa-nghe-thuat-a1145.html