Nhà khoa học Nga tự làm “chuột bạch” thử vaccine COVID-19

16/08/2020 16:31

Các nhà khoa học Nga đã tự dùng cơ thể mình để thử vaccine họ điều chế ra, vaccineSputnik V không phải sản phẩm đầu tiên được các nhà khoa học Nga tự mình thử nghiệm trong quá trình phát triển.

Ngày 11/8, Nga tuyên bố phê duyệt vaccine đầu tiên ngừa Covid-19. Thông báo của Tổng thống Vladimir Putin khiến nhiều chuyên gia miễn dịch và virus học trên thế giới lo ngại. Họ cho rằng các nhà khoa học Nga đã chọn lối tắt để tiến đến vaccine, tự mình thử nghiệm sản phẩm, bỏ qua hoàn toàn nghiên cứu giai đoạn ba. Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi các tác dụng phụ chết người có thể xuất hiện trong chương trình tiêm chủng đại trà.

Vaccine của Nga được phát triển tại Viện Gamaleya, Moskva, dựa trên công nghệ vector virus, dùng mầm bệnh vô hại để đưa một phần nCoV vào cơ thể, giúp kích hoạt hệ miễn dịch. Tên gọi Sputnik V gợi nhớ đến vệ tinh đầu tiên mà Liên Xô phóng vào vũ trụ năm 1975. Bản thân quá trình điều chế vaccine trong đại dịch cũng được ví như cuộc chạy đua vào không gian thập niên 60.

Đầu tháng 4, Alexander Ginzburg, giám đốc Viện Gamaleya và 100 đồng nghiệp đã tự tiêm thử vaccine, trước cả khi "ứng viên" được thử nghiệm trên khỉ. Ông không quá lo lắng về những rủi ro khi đưa một hoạt chất hoàn toàn mới vào cơ thể. Ginzburg khẳng định nhóm của ông vẫn khỏe mạnh sau nhiều tháng, kể từ khi tiêm chủng liều đầu tiên.

Hành động nghe có vẻ "liều lĩnh", nhưng lại vô cùng quen thuộc đối với giới khoa học Nga. Nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu nước này có truyền thống tự thí nghiệm trên bản thân. Một số chuyên gia thời Liên Xô thậm chí thử vaccine trên người thân của mình. Chính Tổng thống Putin cũng cho biết một trong những con gái của ông đã tiêm Sputnik V.

Thế giới - Nhà khoa học Nga tự làm “chuột bạch” thử vaccine COVID-19

(Từ trái sang) Tiến sĩ Mikhail Chumakov, Tiến sĩ Marina Voroshilova và các con trai đã tự sử dụng vaccine đang trong quá trình thử nghiệm, năm 1960. Ảnh: Peter Chumakov

Lấy bản thân làm "chuột bạch" trong chính thí nghiệm của mình, "các nhà khoa học không quan tâm những lời chỉ trích của công chúng hay việc bị coi là ‘điên rồ’", tờ New York Times nhận định.

Trong hàng loạt nghiên cứu, cặp vợ chồng nhà virus học Marina Voroshilova và Mikhail Chumakov đã trở thành biểu tượng của phương pháp này.

Những năm 1950, Chumakov giữ chức vụ người sáng lập viện nghiên cứu bệnh bại liệt của Nga. Khi ấy, tại Mỹ, tiến sĩ Albert Sabin đang phát triển một loại vaccine từ virus bại liệt sống. Cơ quan y tế Mỹ miễn cưỡng cho ông thử nghiệm phượng pháp, bởi thế giới đã có sẵn vaccine từ virus bất hoạt.

Đến năm 1955, ông Sabin gửi "ba chủng virus giảm độc lực" của mình cho tiến sĩ Chumakov. 4 năm sau đó, nhà khoa học người Nga cùng vợ mình là bà Voroshilova đã tự sử dụng loại vaccine này. Song vì sản phẩm được chỉ định dùng cho trẻ em, cả hai đã để ba con trai và vài người cháu gái của mình uống những liều đầu tiên, có chứa virus đã suy yếu.

"Thử nghiệm tạo tiền đề để tiến sĩ Chumakov thuyết phục ông Anastas Mikoyan, quan chức cấp cao của Liên Xô, tiến hành nghiên cứu rộng rãi hơn. Kết quả, vaccine bại liệt đường uống được sản xuất và sử dụng đại trà trên toàn thế giới", New York Times viết.

Đến nay, đây là một trong những chế phẩm y khoa an toàn và hiệu quả nhất từng được phát triển.

Cả ba người con của hai tiến sĩ Chumakov và Voroshilova sau này đều trở thành chuyên gia virus. Hàng chục năm kể từ khi uống vaccine, họ vẫn tán dương phương pháp của cha mẹ. Trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Peter Chumakov, chia sẻ: "Phải có ai đó là người đầu tiên. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tức giận. Tôi nghĩ thật tốt khi mình có người cha như vậy, một người đủ tự tin rằng điều mình đang làm là đúng đắn, sẽ không gây hại cho con cái".

Con trai út của ông Chumakov, tiến sĩ Konstantin Chumakov cũng đồng tình với điều này.

Không chỉ các nhà khoa học, công chúng Nga cũng rất nhiệt tình tham gia các thử nghiệm theo hình thức trên. Trong thời hiện đại, người dân sẵn sàng tình nguyện thử thuốc, với các tiêu chuẩn lỏng lẻo, một số để lại tác dụng phụ nghiêm trọng.

Năm 2012, các "đại gia" dược phẩm bao gồm Bayer, Novo Nordisk, Pfizer và Eli Lilly tiến hành các nghiên cứu lâm sàng ở Nga. Hàng nghìn người đã đăng ký tham gia dự án, thường không được kiểm soát chặt chẽ.

Thế giới - Nhà khoa học Nga tự làm “chuột bạch” thử vaccine COVID-19 (Hình 2).

Một người dân Nga tình nguyện tham gia thử nghiệm chất tăng cường năng lượng, cải thiện sức chịu đựng, năm 2012. Ảnh: NY Times

Họ coi đây là tình huống đôi bên cùng có lợi. Trong khi các công ty công ty cố gắng tiết kiệm chi phí, Nga trở thành đất nước tiềm năng bởi không có tiêu chuẩn y đức khắt khe như châu Âu và Mỹ. Mặt khác, công dân nước này cho rằng mình đang sở hữu cơ hội hiếm có tiếp cận với thuốc hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nghiên cứu dẫn đến tác dụng phụ và kết quả không mong muốn.

"Một lần, kháng sinh thử nghiệm tạo ra tình trạng dị ứng. Bác sĩ kinh ngạc khi quan sát những tình nguyện viên. Cứ như một cảnh trong bộ phim hoạt hình Tom và Jerry, khi nhân vật bị ốm. Những chấm đỏ bắt đầu nổi lên khắp nơi, ngay trước mắt. Chúng xuất hiện chỉ trong vài phút", tiến sĩ Vera G. Belolipetskaya, giám sát viên của dự án khi ấy, kể lại.

Lịch sử khoa học thời Liên Xô đầy rẫy những vụ việc tương tự.

Giữa thế kỷ 19, nhiều chuyên gia Nga theo đuổi ý tưởng về "trường sinh bất lão". Nhà triết học Nikolai Fedorov đã viết một chuyên luận về cách để tập trung toàn bộ năng lượng trong cơ thể, khiến con người vượt qua giới hạn thời gian và cái chết, tiến tới sự bất tử.

Bác sĩ, nhà hoạt động cách mạng Alexander Bogdanov từng tự thử nghiệm truyền máu để cải lão hoàn đồng. Tuy nhiên, đến năm 1928, ông qua đời sau khi nhận máu của một sinh viên mắc bệnh lao.

Hàng thập kỷ sau đó, thừa kế học thuyết của Bogdanov, nhiều nhà khoa học chuyển sang nghiên cứu cách để tối đa hoá giới hạn của con người, thay vì tìm phương pháp trường sinh.

Theo VNE

Bạn đang đọc bài viết "Nhà khoa học Nga tự làm “chuột bạch” thử vaccine COVID-19" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).