Lời ru buồn ở một hàng nghề hàng trăm năm tuổi

07/10/2020 14:03

(VHNT) Mấy năm về trước ai mà dịp đi qua làng nghề Ngô Xá, Cẩm Khê, Phú Thọ chúng ta mới thấy được không khí làng nghề nhộp nhịp gấp gáp. Đi khắp làng đâu đâu cũng gặp già trẻ, gái trai, mỗi người một việc tiếng cưa tiếng xẻ, chẻ nan, pha nứa “lốp đốp” làm cho không khí thêm nhộn nhịp hơn.

Nghề truyền thống đan lát ở Ngô Xá, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã có hàng trăm năm nay. Người dân ở đây, ai cũng đều giỏi vót nan, đan lát. Đời này nối tiếp đời kia, nguyện sống chết, gắn bó với nghề truyền thống ông cha để lại. Tuy nhiên hiện nay, làng nghề đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, có nguy cơ thất truyền, thậm chí nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Xã hội  - Lời ru buồn ở một hàng nghề hàng trăm năm tuổi

Chị Sáu là một trong những người còn giữ lại được nghề

Đã từ lâu, Ngô Xá được nhiều người biết đến bởi đây là làng nghề đan lát truyền thống. Từ vài trăm năm trở về trước. Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề này và nghề này đã nuôi sống họ .Hiện nay, trong số 1.300 hộ của xã thì có tới 900 hộ có nghề đan lát với doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng. Làng đan lát Ngô Xá được công nhận làng nghề năm 2004.

Nhưng thì nay chỉ còn 25-30%, trong đó chủ yếu là người già, người yếu không còn sức khỏe làm việc nặng. Thanh niên khỏe mạnh đều đi làm xa hoặc chuyển nghề khác. Những năm trước đây, nghề đan lát không chỉ tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn cho người dân mà còn là “cần câu cơm” của người làng Ngô Xá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các sản phẩm đan lát của làng Ngô Xá cũng bị cạnh tranh khốc liệt. Các sản phẩm rổ, rá,… đều được làm bằng nhôm, nhựa được bày bán tràn lan nên các sản phẩm từ mây, tre của người dân nơi đây rất khó tồn tại. Cùng với đó là nguyên liệu để làm nghề cũng khan hiếm dần, tre, hóp đều phải đi mua từ rất xa, cự ly đến vài trăm ki-lô-mét như: Yên Lập, Yên Bái... Vì thế, việc duy trì sự tồn tại của nghề đan lát ở làng Ngô Xá là rất mong manh.

Xã hội  - Lời ru buồn ở một hàng nghề hàng trăm năm tuổi  (Hình 2).

Công việc chỉ còn lại lúc nông nhàn

Chị Nguyễn Thị Lũy Khu 3 Xã Ngô Xá, một trong số ít người còn gắn bó với nghề đan lát bộc bạch tâm sự: Ngược dòng thời gian, khoảng từ năm 1994 trở về trước, các nguyên liệu tre, nứa, hóp... của làng Ngô Xá rất nhiều. Ven đường làng, ngõ xóm, vườn… đều được trồng để cung ứng cho làng nghề. Trước đây cả làng làm nghề, không khí đan lát luôn sôi động, nhộn nhịp.

Người già truyền cho người trẻ, cha truyền cho con, ông truyền cho cháu. Nhà nào nhà ấy chất đầy hàng ở sân hoặc hiên nhà. Nhiều mặt hàng, sản phẩm gắn bó với nhà nông cũng được ra lò từ làng Ngô Xá, như: Rỏ, giá, giần, sang, sọt đựng chuối… đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó có nhiều mặt hàng được du khách nước ngoài lựa chọn để mua về làm kỷ niệm.

Chị Nguyễn Thị Sáu khu 3 xã Ngô Xá cho biết: “Từ bé, tôi đã thấy ông nội và bố tôi làm nghề đan lát. Những ai đã biết làm nghề này thì luôn say nghề và nhớ mãi, nhiều năm sau vẫn nhớ. Bởi nghề đan lát góp phần rèn cho con người tính kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận, khéo léo. 7 người con của bố mẹ tôi cũng đều theo nghề ông cha để lại. Nhưng đến thế hệ các cháu là hầu như chúng không làm nữa, mỗi ngày công thợ giỏi cũng chỉ đạt từ 40.000- 50.000 đồng, thu nhập kém xa những việc khác…”.

Xã hội  - Lời ru buồn ở một hàng nghề hàng trăm năm tuổi  (Hình 3).

Chị Nguyễn Thị Lắm khu Bờ đập chằm, một thợ lành nghề, tâm sự: “Có nhiều người không muốn bỏ nghề truyền thống, tranh thủ làm vào lúc nông nhàn. Cũng có lúc, tôi nản chí muốn tìm nghề khác có thu nhập cao hơn nhưng lại thôi.

Tôi luôn nghĩ, bao nhiêu đời ông cha sống được với nghề, lẽ nào mình lại chết đói. Vẫn biết rằng, sản phẩm đan lát bây giờ khó có thể cạnh tranh được với hàng nhôm, nhựa. Ở làng hiện vẫn còn người làm nghề nhưng số lượng giảm nhiều so với trước. Song người dân làm nghề đan lát chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống lại đến thời kỳ hưng thịnh…”.

Trao đổi với phóng viên về hướng đi của làng nghề, ông Hồ Trọng Thủy, Phó chủ tịch UBND xã Ngô Xá, cho biết: “Đúng là làng nghề truyền thống ở đây đang có nguy cơ mai một. Để giải được “bài toán” trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề nghị lãnh đạo huyện, tỉnh xem xét, hỗ trợ, tạo cơ chế để duy trì làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Trước mắt, chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân làm nghề khắc phục khó khăn, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, cạnh tranh một cách lành mạnh để làng nghề tồn tại và từng bước phát triển…”.

NGUYỄN XUÂN HIỀN

Bạn đang đọc bài viết "Lời ru buồn ở một hàng nghề hàng trăm năm tuổi " tại chuyên mục Y TẾ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).