Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên

24/10/2020 05:35

(Arttimes) - Chắc hẳn những năm bôn ba khắp năm châu bốn biển “đi tìm hình của nước” (Chế Lan Viên), Bác Hồ đã mường tượng ra, trong nền tảng của thượng tầng kiến trúc của nó phải có một góc cho âm nhạc.

Thế nên sau khi nước Cộng hòa non trẻ ra đời, trong bộn bề hàng núi công việc lại ở tình thế thù trong giặc ngoài, Người vẫn chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh phải xây dựng trung ương nhạc viện.

Ông Hoàng Quốc Việt gặp ông Nguyễn Khánh Toàn (Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục khi ấy) thống nhất giao trọng trách này cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trước đó đã có nhiều ca khúc nổi tiếng cả nước như Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang, Hát giang trường hận, người xưa đản đá…

Nhưng giặc Pháp rắp tâm một lần nữa đặt ách đô hộ lên đẩ nước ta nên ngày 19/12/1946, Bác Hồ buộc lòng phải ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Việc trên đành gác lại.

Lưu Hữu Phước vẫn nung nấu ý tưởng lớn của Bác nhưng trong hoàn cảnh ấy đành đưa ra một giải pháp tình thế: mời các cộng sự thân thiết đầu năm 1947 thành lập Đoàn nhạc thiếu nhi kháng chiến, hoạt động theo phương châm “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” của chính phủ kháng chiến phục vụ bộ đội cán bộ, nhân dân vùng tự do Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn… Bắc Cạn là nơi đầu vào kháng chiến của ta.

Đêm trước đoàn biểu diễn, đang ngủ mê mệt trong nhà thương thị xã (đã chạy tản cư) thì mờ sáng ngày 7/10/1947 định nhảy xuống sân vận động, nhưng rừng che bộ đội, sương mù che mắt địch. Chỉ mỗi cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội bị giặc sát hại.

Bác theo dõi từng bước trưởng thành của Đoàn, Người gửi tặng một tấm ảnh chân dung nhỏ (9cm x 12cm) tự tay viết: “Gởi các cháu nhi đồng nghệ thuật”. Chắc không nắm được độ tuổi nên anh Lưu Hữu Phước viết thư lên xin phép đổi từ “nhi đồng” thành “thiếu nhi”. Từ đó đoàn chính thức mang tên “Thiếu nhi nghệ thuật”.

Âm nhạc  - Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19/5/1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Dịp mừng thọ Bác 60 tuổi, Đoàn phối hợp với đoàn nhạc sinh quân của nhạc sĩ Đỗ Nhuận biểu diễn mừng Người. Đoàn có tiết mục ca múa nhạc, kịch Lục tuần đại khánh được hoan hô nhiệt liệt. Sáng hôm sau Bác chụp ảnh chung với cả hai đoàn.

Thấy sinh hoạt của Đoàn quá thiếu thốn, Bác có ý trách lãnh đạo. Vẫn không giải quyết trước chế độ kinh phí nên đoàn phải giải thể. Mấy tháng sau, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư và đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị lại lệnh tập hợp lại, do anh Nguyễn Đình Bính phụ trách. Đoàn lại đi biểu diễn ở khắp ATK, mà toàn đi bộ thôi, nhiều khi vừa đi vừa ngủ. Duy nhất có một đoạn vài chục cây số được đi nhờ, ngồi bệt xuống thùng xe tải bộ đội.

Cuối 1951, khu Học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) được thành lập nên đoàn sang đấy học sư phạm, một số anh lớn về các đoàn văn công mới thành lập. Vì chưa có cấp 1 nên một số đoàn viên, trong đó có tác giả bài viết này về gia đình tiếp tục đi học.

Thời gian hoạt động không lâu, nhưng cái nôi thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước đã nuôi dưỡng được nhiều nhạc sĩ thành danh sau này như: La Thăng, Nguyễn Đình Bính, Vĩnh Cát, Vĩnh Bảo, Lô Thanh, Vũ Thanh…

Nguyễn Bắc Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên" tại chuyên mục ÂM NHẠC. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).