Các khách sạn ở Hà Nội thi nhau rơi vào khủng hoảng

05/09/2020 18:00

Theo Sở Du lịch Hà Nội, phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng do không có khách quốc tế. Có khách sạn công suất chỉ đạt 7%, hầu như không sáng đèn.

Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, ngoài tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngày Quốc khánh 2/9 năm nay được nghỉ 1 ngày nên lượng khách du lịch đến Hà Nội không nhiều. Các cơ sở lưu trú du lịch khá vắng khách, mặc dù giá dịch vụ tại các cơ sở lưu trú giảm tới 40-60%.

Điển hình là các khách sạn Pan Pacific giá phòng ưu đãi giảm hơn 40%, còn 1,9 triệu đồng/đêm phòng Deluxe, tặng 500.000 đồng cho dịch vụ ẩm thực, ưu đãi 30% ăn uống tại nhà hàng và bar; InterContinental Hanoi Landmark 72 giá 4 triệu đồng/đêm với nhiều ưu đãi khác; khách sạn Metropole giá phòng chỉ còn 1,16 triệu đồng/đêm,...

Tuy nhiên, lượng khách đặt phòng vô cùng ít ỏi. Vì thế, công suất bình quân sử dụng buồng phòng khá thấp, ước tính khối khách sạn 1-5 sao chỉ đạt 10,6%, giảm 53,4% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, khách sạn Lotte đạt 30%, khách sạn Metropole 25%, Crown Plaza Hà Nội 18%,... hay khách sạn Deawoo chỉ đạt 7% công suất phòng, tức 93% số phòng còn lại tối đèn.

Tổng hợp báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, tính đến 31/8/2020, khoảng 950 cơ sở lưu trú tại Hà Nội tạm dừng hoạt động với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.

Kinh tế - Các khách sạn ở Hà Nội thi nhau rơi vào khủng hoảng

Bao giờ các khách sạn 5 sao ở Hà Nội mới trở lại thời hoàng kim?

Đáng lưu ý, với phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi,... rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi các khách sạn này chủ yếu phục vụ khách quốc tế.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8 đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng trước. Con số tăng này chủ yếu là các chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc làm việc tại các dự án; lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ; lưu học sinh Lào, Campuchia quay trở lại Việt Nam học tập.

Tổng lượng khách quốc tế vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hà Nội, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách, mặc dù các cơ sở đồng loạt đưa ra các gói giảm giá dịch vụ từ 40-50%, tuy nhiên lượng khách vẫn không nhiều do dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay ngắn và dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các cơ sở. Tại các khách sạn, nhà hàng và các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí,... lượt khách và sức mua rất hạn chế, ước tính doanh thu giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng của cả nước ước tính đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%) do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,6%; TP.HCM giảm 72%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 67,2%; Quảng Nam giảm 66,5%; Kiên Giang giảm 64,7%; Đà Nẵng giảm 63,6%; Hà Nội giảm 42,2%,...

 

 

Tổng hợp báo cáo của 6/8 khách sạn được UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập cơ sở cách lý tập chung cho chuyên gia, ngày 2/9 các cơ sở này đã đón và phục vụ 389 khách/282 phòng (tổng số phòng đăng ký phục vụ khách cách ly là 582 phòng). Cụ thể: khách sạn Metropole (5 sao) 22 khách/15 phòng (đạt 16,3%); khách sạn Crown Plaza Hà Nội (5 sao): 52 khách/52 phòng (đạt 26%); khách sạn Inter Con (5 sao): 46 khách/42 phòng (đạt 72,4%); khách sạn Mường Thanh (4 sao): 199 khách/122 phòng (đạt 71,4%); khách sạn Hòa Bình (3 sao): 37 khách/34 phòng (đạt 56,6%) và khách sạn Bình An 2 (2 sao): 33 khách/17 phòng (đạt 53,1%).

 

Khách chuyên gia lưu trú tại 6 khách sạn chủ yếu đến từ các nước: Ấn Độ, Áo, Canada, Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Hà Lan... Cũng trong ngày 2/9, có 130 lượt khách tổ bay lưu trú tại khách sạn Crown Plaza Hà Nội.

 

Theo Vietnamnet

 

Bạn đang đọc bài viết "Các khách sạn ở Hà Nội thi nhau rơi vào khủng hoảng" tại chuyên mục GIAO THÔNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).