“Biến thân”: Câu chuyện về một cái tôi vỡ vụn

02/10/2020 20:23

(VHNT) - Biến thân – sách mới phát hành ở Việt Nam qua bản dịch của Cẩm Hương, là tác phẩm trong những ngày đầu sáng tác của ông hoàng trinh thám Nhật Bản Keigo Higashino.

Tác phẩm mới - “Biến thân”: Câu chuyện về một cái tôi vỡ vụn

Bìa tiểu thuyết Biến thân của Higashino Keigo

Vốn có những băn khoăn, nỗi niềm với hai chữ "con người", trong tiểu thuyết này, Higashino đã tái hiện những câu hỏi lớn của con người: “Ta là ai? Ta sống vì mục đích gì?” và những giằng xé, đấu tranh trong con người để được là chính mình, được sống và có cái tôi trọn vẹn. Đó là thành công của tác phẩm và cũng là tiền đề cho tiểu thuyết cùng đề tài Bí mật của Naoko sau này.

Motif “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Khác với nhiều sáng tác cùng đề tài và các tác phẩm về sau của Keigo, hiện tượng thay hồn đổi xác trong Biến thân được lí giải bằng nguyên nhân, sự kiện cụ thể, đồng thời có sự tác động trực tiếp của khoa học: Chàng thanh niên Naruse Junichi bị một viên đạn bắn vào não phải khi anh cố cứu một cô bé trong vụ cướp tại một công ti bất động sản. Sau vụ án, để cứu sống Junichi, anh trở thành đối tượng cho cuộc phẫu thuật cấy ghép não đầu tiên. Ca phẫu thuật thành công rực rỡ nhưng cuộc sống sau đó của Junichi nhanh chóng đảo lộn với sự biến chất dường như không thể kiểm soát trong con người anh. Mà nguyên do từ chính phần não bí ẩn mà Junichi được cấy ghép.

Motif “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong Biến thân của Higashino Keigo không chỉ đặt ra vấn đề nhức nhối: mối quan hệ giữa phần hồn - phần xác, giữa lí trí - tình cảm, giữa bộ não - trái tim của con người; hơn thế, tác phẩm còn đặt ra cả mối quan hệ giữa y học, khoa học với cuộc sống con người; mối quan hệ giữa cái tâm, y đức của người bác sĩ với khát khao, mong muốn của người bệnh.

Các tình tiết, sự việc của motif thay hồn đổi xác hướng độc giả tới phạm trù cá nhân, cái tôi của con người, từ đó tác giả khẳng định: Con người sống trong cuộc đời là một sự tổng hòa hoàn mĩ của cả phần hồn và phần xác. Lí trí, suy nghĩ xuất phát từ bộ não phải hòa hợp với nhịp đập ấm nóng của trái tim. Con người không phải là một cỗ máy hay một thuật toán, con người là một sinh vật sống, có tri giác, có tình cảm, mỗi cá nhân lại có ham muốn, cá tính riêng biệt và điều đó làm nên “cái tôi” của mỗi người, làm nên tính đa dạng, muôn màu của cuộc sống. Thấu hiểu điều đó, người ta khao khát được sống là chính mình chứ không đơn thuần chỉ là sống, là tồn tại.

Ở những chi tiết, sự kiện vượt ngoài motif hướng người đọc tới phạm trù vĩ mô hơn và Keigo ngầm nhắn gửi: Y học hay khoa học nói chung, sinh ra để phục vụ con người nhưng đến cuối cùng không thể vượt thoát tính nhân, tính thiện. Khoa học tuyệt đối không nên và không bao giờ được trở thành thứ công cụ phục vụ cho mục đích ti tiện của những kẻ ích kỉ, vụ lợi. Những bi kịch, khổ đau sau ca phẫu thuật được đánh giá hết sức thành công của nhóm tiến sĩ Dogen là câu chuyện sâu xa hơn về vấn đề y đức, về chữ tài, chữ tâm của người làm khoa học. Người theo đuổi tri thức, bên cạnh tài năng còn cần cái tâm sâu nặng với mỗi kiếp đời để không vì thành tựu trước mắt mà dửng dưng trước những đổi thay, đau khổ của bệnh nhân, của con người.

Với motif quen thuộc cùng sự phát triển tình tiết cốt truyện gần như xoay quanh cuộc sống sau ca phẫu thuật não của nhân vật Junichi, Biến thân thật không phải một cuốn tiểu thuyết thuần trinh thám. Nhưng khi yếu tố trinh thám lùi sâu thì yếu tố tâm lí - xã hội trong Biến thân lại trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

Cái tôi tha hóa, cái tôi vỡ vụn

Có thể nói, xuyên suốt Biến thân là quá trình tha hóa cả về mặt thể chất, tinh thần lẫn tâm hồn của cái tôi người thanh niên tên Naruse Junichi sau ca phẫu thuật cấy ghép não. Junichi sống lại, sinh hoạt bình thường, nhưng nhanh chóng nhận ra, anh không còn là anh của ngày trước. Anh từ một chàng trai đam mê hội họa, sống khép kín, rụt rè, an phận thủ thường, thậm chí là đớn hèn nhưng đặc biệt hiền lành và tốt bụng, dần trở thành một kẻ mất hết cảm hứng với hội họa mà bỗng có khả năng nhạy bén về âm nhạc, tính tình cục cằn, thô lỗ, dễ nổi nóng và mỗi lúc một thêm man rợ trong suy nghĩ và hành động.

Tất cả thay đổi đó không diễn ra ngay lập tức mà là cả một quá trình diễn tiến, từ từ trong nội tâm nhân vật. Đến một ngày, sự tha hóa đó diễn ra mãnh liệt với các mâu thuẫn, giằng xé lương tri con người Junichi.

Đặc biệt, trong Biến thân, hầu như mọi đổi thay đều do nhân vật chính – Naruse Junichi – xưng “tôi” tự ý thức và ý thức ngày càng sâu sắc. Nhân cách từ phần não kia chưa một lần lên tiếng trong tâm trí Junichi. Chỉ có ánh mắt của kẻ đó, vẫn mãi ám ảnh Junichi và như một điềm báo cho số phận anh sau này. Nhưng cũng bởi sự lặng lẽ, âm ỉ như thế mà nỗi dằn vặt, đau khổ của con người khi không còn là chính mình, khi không tự điều khiển nổi chính trái tim, lương tri lại càng thêm đau đớn.

Sự tha hóa về mặt nhân cách làm con người kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần trong cuộc tranh để gìn giữ lấy cái tôi bản ngã, để giữ lấy phần hồn thiện lương. Naruse Junichi chỉ là nhân vật hư cấu trong một cuốn tiểu thuyết phi thực của tác giả Higashino Keigo. Nhưng từ con người đó, từ cá nhân dần đứng trên bờ vực tha hóa, biến chất trên sợi dây hai đầu con - người đó mà một hiện thực đau xót như hiển hiện: Trong cuộc sống hiện đại, đâu phải chỉ có đè nén, áp bức, đâu phải chỉ có áp lực cơm áo gạo tiền mới làm người ta thay đổi? Mà ngay chính hành trình sống với cái tôi trọn vẹn đã là một cuộc chiến của mỗi cá nhân giữa hai ngã rẽ phần con và phần người.

Biến thân còn là câu chuyện về một cái tôi vỡ vụn. Cái tôi đáng thương mất dần tiếng nói, hành động, mất dần xúc cảm, đam mê ngỡ như gắn liền với sinh mạng. Cái tôi của Junichi vụn vỡ với bản thân anh và sau này, cái tôi đó còn vỡ vụn trong ánh mắt, đánh giá của người đời. Chỉ một tác động, thay đổi nhỏ về mặt tế bào não cũng đủ khiến người ta thay đổi. Nhưng cũng từ cái tôi yếu đuối, ngày một tha hóa, vỡ nát của Junichi mà giá trị nhân văn rất đẹp như càng thêm cô đọng nơi trang sách: Con người có thể yếu đuối, bản ngã con người có thể bé nhỏ, yếu ớt trước mọi đổi thay nhưng người ta vẫn quyền sống với trọn vẹn cái tôi, đấu tranh đến cùng cho trọn vẹn nhất cho chữ NGƯỜI.

“Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” (Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)

Là một sáng tác thuộc thời kì đầu sự nghiệp của tác giả Higashino Keigo, có thể nói tiểu thuyết Biến thân chứa đựng không ít lỗ hổng về mặt nội dung, tình tiết. Nhưng sau tất cả, Biến thân vẫn là một cuốn sách mang nặng tình đời, tình người lẫn nỗi lòng khắc khoải của Keigo về con người giữa cuộc đời đa sắc. Cả tác phẩm là những mâu thuẫn gay gắt của Junichi trong những màn tự vấn trước những đổi thay của chính bản thân anh. Trọn câu chuyện, là những trăn trở day dứt của tác giả về việc con người sống sao với chữ “tôi” một cách trọn vẹn.

Theo VNQĐ

Bạn đang đọc bài viết "“Biến thân”: Câu chuyện về một cái tôi vỡ vụn" tại chuyên mục DIỄN ĐÀN. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0969.989 247hoặc gửi về địa chỉ email (thoibaovhnt@gmail.com).